Xóm bốc vác nữ ven đô
Xóm ven đô ấy có hàng chục nhà máy xay xát, mỗi ngày có hàng ngàn tấn lúa, gạo chuyển từ xe tải xuống nhà máy và ngược lại. “Máy” chuyển lúa gạo lên xuống xe là... những đôi vai nhỏ của phụ nữ.
Gần 40 năm bốc vác
Từ TP.Tân An theo QL1A đi về phía Tiền Giang khoảng 10 cây số, khi sắp tới cầu Tân Hương rẽ trái, theo con đường đá đỏ vài cây số là tới xóm nghèo Nhơn Cầu thuộc phường Tân Khánh - TP.Tân An. Đây có lẽ là xóm duy nhất ở miền Tây Nam Bộ có nhiều phụ nữ sống bằng nghề bốc vác. Hai bên con đường Nhơn Cầu san sát các nhà máy xay xát như Năm Điều, Ngọc Mai, Chín Hùng, Út Hạnh... Hỏi thăm về đội bốc vác nữ, một người đàn ông bán quán nước ven đường nói ngay: “Ở đây phụ nữ ai mà không bốc vác, có nhiều đội lắm, nhưng đội của ông Tám Cẩm là đông hơn cả. Đó, nhà ông Tám đó!”.
Theo hướng chỉ tay, tôi tìm tới ngôi nhà tường còn nguyên màu ximăng, không sơn phết gì. Thật may cho tôi, vợ chồng ông Tám Cẩm đang có nhà. Càng may hơn khi ông Cẩm (54 tuổi) rất nhiệt tình và hiếu khách. Khi biết tôi là nhà báo muốn viết về chuyện lao động nặng nhọc của phụ nữ, ông nói ngay: “Ôi tưởng chuyện gì, chứ cái đó thì ở đây hằng hà, tha hồ chú viết”, rồi ông sai vợ pha trà mời tôi vừa uống vừa nói chuyện. “Nội gia đình tui là chú viết được khối chuyện. Đó, bả cũng đi bốc vác, con gái, con dâu tui cũng bốc vác...”. Nhìn bà Hoa (vợ ông Cẩm) ở độ tuổi ngoài 50 mà vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn, tôi khen: “Chắc nhờ bốc vác nên chị Tám lớn tuổi mà vẫn khỏe mạnh”. Bà Hoa trả lời: “Khỏe gì chú ơi, bệnh muốn chết nè, nhưng hổng làm lấy gì sống. Hổm rày hai đầu gối bị nhức, vác lúa hổng nổi, tui phải chuyển qua làm sấy lúa”.
Ông Cẩm cho biết, dân ở đây không có đất sản xuất, trong khi có nhiều nhà máy xay xát, nên khi lớn lên không biết làm gì ngoài nghề bốc vác. Tính ra vợ chồng ông đã có thâm niên 37 năm bốc vác. Khoảng 10 năm qua, ông Cẩm đứng ra làm tổ trưởng tổ bốc vác gồm gần 40 người, hầu hết là phụ nữ. Ông vừa bốc vác vừa quản lý, điều động người, làm cầu nối giữa chủ nhà máy và người bốc vác. Ba đứa con ông (hai trai, một gái) đều bỏ học khi chưa hết cấp hai, tiếp tục theo cha mẹ làm bốc vác. Rồi các con dâu của ông cũng bốc vác. Họ bốc vác bất kể giờ giấc, có gấp hàng phải làm sáng đêm.
Cô Cao Thị Bích Vân - con gái của ông Cẩm - năm nay 31 tuổi, mà đã có hơn 10 năm “thâm niên” bốc vác. Bích Vân cho biết: “Có lần cháu thử xin đi làm công nhân, nhưng người ta đòi phải học hết cấp hai, rồi giờ giấc gò bó quá, nên cháu về làm bốc vác thoải mái hơn”.
Trăm kilôgram, chuyện nhỏ!
Không khí nóng hầm hập do hơi nóng hắt lên từ lò sấy và do bốn bề bít bùng, che chắn bằng tôn thiếc. Và bụi. Tôi có cảm giác trong nhà máy xay xát chỉ có lúa và... bụi. Chỗ nào cũng đầy bụi: Trên sàn nhà, trên các bao lúa, trên vách tôn, trong không khí... Bụi bay trong không khí trông như sương mù.
Tôi chụp ảnh bằng đèn tự động, khi mở kiểm tra ảnh thấy bụi phát sáng như tuyết rơi. Hầu hết những người bốc vác đều mang khẩu trang chống bụi, nhưng cũng có mấy chị không cần che chắn gì, một chị giải thích: “Mang khẩu trang thì không phải hửi bụi, nhưng ngộp dữ lắm, mà bốc vác thì cần thở nhiều, nên tui thà hửi bụi chứ không chịu ngộp được”. Tôi hỏi ông Tám Cẩm: “Một bao lúa chừng bao nhiêu ký?”, ông không trả lời ngay mà kêu tôi tính: “Một giạ lúa khô khoảng 20 ký, còn lúa ướt khoảng 25 - 27 ký. Bao lúa loại này khoảng 3 giạ...”. Tôi nhẩm tính: Khoảng 60 - 80kg một bao. Rồi tôi nhìn các dì, các chị để ước trọng lượng cơ thể họ: Khoảng từ 45 đến 60kg.
Nhìn tôi ghi ghi chép chép các con số, ông Tám Cẩm cười nói: “Bao lúa loại này ăn thua gì. Tới vụ hè thu lúa từ Campuchia chở về bao nào bao nấy cứng 4 giạ, khoảng từ 110 - 120kg, lúc đó mới biết đá biết vàng”. Tôi đã từng biết thời chiến tranh có chị kiện tướng TNXP ở Quảng Bình tên là Nguyễn Thị Huấn thường xuyên vác trên vai 125kg hàng hóa phục vụ chiến đấu. Mấy chục năm sau, cũng có những người phụ nữ thường xuyên vác trên vai hơn trăm ký. Chị Huấn lúc đó còn trẻ, tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, còn các dì, các chị ở xóm ven đô Nhơn Cầu ngày nay đều đã ở độ tuổi 30 - 40, thậm chí 50.
Ngồi ở quán nước bên vệ đường trước nhà máy, tôi cứ thấy bần thần, không biết do không quen với môi trường ngột ngạt đầy bụi trong nhà máy hay do bị “sốc” vì lần đầu tiên nhìn thấy những người phụ nữ lớn tuổi làm nghề bốc vác nặng nhọc. Đâu là cái ngưỡng của tuổi tác cho công việc nặng nhọc này? Bằng kinh nghiệm 37 năm trong nghề, ông Tám Cẩm cho rằng, đó là tuổi 45 cho nam và 40 cho nữ. Quá tuổi đó, xương cốt, rồi cơ bắp, sức chịu đựng của cơ thể không cho phép người ta mang vác cả trăm kilôgram trên vai.
Thế nhưng, có những chị đã ở tuổi ngoài 50 mà hằng ngày vẫn phải bốc vác nặng nhọc. Đó là chị Tư Bế đã 55 tuổi, nhưng mỗi ngày vẫn mang vác hàng chục tấn hàng; là chị Hai Hoa 51 tuổi đang cố chữa cho hết đau khớp gối để trở lại bốc vác... Mà cái nghề “bán sức” này thu nhập thấp hơn là tôi tưởng. Một xe hàng 20 tấn họ chỉ được trả tổng cộng 500.000 đồng, chia ra mỗi người chưa tới 20.000 đồng. Một ngày có hàng làm ròng rã mỗi chị chỉ được khoảng 150.000 đồng.
Quá nửa các dì, chị trong đội bốc vác đều đã có cháu nội, cháu ngoại. Ngày trước họ bốc vác để nuôi con, nay tiếp tục bốc vác để nuôi cháu. Các chị đều đã có vài ba chục năm trong nghề bốc vác, nay sắp tới tuổi “hưu”, nhưng không dám “nghỉ hưu” vì nghỉ bốc vác thì không có thu nhập cho cuộc sống. Thậm chí, có chị tên là Chỉ trong lúc bốc vác bị kho gạo sạt đè gây thương tích, khi chưa lành bệnh đã lại đi bốc vác tiếp để nuôi con. Trong đội bốc vác có chị Hữu, chị Thu bị bệnh viêm khớp nặng (loại bệnh nghề nghiệp đặc thù của nghề bốc vác) nhưng hằng ngày vẫn vào nhà máy, khi về nhà là đầu gối sưng phù hành hạ đau đớn!
Tôi hỏi ông Tám Cẩm: “Có khi nào anh và các chị nghĩ tới chuyện thành lập nghiệp đoàn để có chỗ dựa, để được bảo vệ, thậm chí để sau này có chế độ hưu?”. Ông Cẩm tròn xoe đôi mắt: “Ủa, có chuyện đó thiệt sao?”. Đó là điều lần đầu tiên sau gần 40 năm đi bốc vác ông Cẩm mới nghe nói tới. Ông không dám tin, không dám nghĩ tới điều gì lớn lao, mà chỉ gửi gấm tới nhà báo điều đơn giản: “Tội cho mấy bả lắm, nếu giúp được cho mấy bả trị cho dứt bệnh rồi đi bốc vác trở lại, chắc mấy bả mừng lắm!”.