Xóa nghèo ở quận giàu nhất TPHCM: Khó!

(Dân trí) - Là quận có mức thu ngân sách cao nhất TPHCM, nhưng quận 1 vẫn còn trên 4% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Bất ngờ hơn là công tác xóa nghèo tại đây rất khó khăn.

Xóa nghèo ở quận giàu nhất TPHCM: Khó! - 1

Đằng sau vẻ phồn hoa của quận 1, vẫn còn những gia đình cơ cực

 

 
 
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2 (dưới 6 triệu đồng/người/năm), quận 1 đã hoàn thành việc xóa nghèo. Nhưng từ khi áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 3 (dưới 12 triệu đồng/người/năm) thì quận 1 có hơn 2.000 hộ nghèo với gần 9.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 4% số hộ trên địa bàn quận.

 

Phát biểu trong buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, bà Đặng Thị Xuân Trinh, Phó ban chuyên trách Ban xóa đói giảm nghèo quận 1, cho rằng: “Chúng tôi khẳng định thu nhập của người dân quận 1 thời gian qua không giảm, nhưng mức sống sẽ giảm vì giá cả cái gì cũng lên. Công tác xóa đói giảm nghèo thì gặp nhiều khó khăn do tình hình đặc thù của quận”.

 

Đặc thù lớn nhất của quận 1 là Quỹ xóa đói giảm nghèo thì sẵn nhưng ít hộ vay. Tổng kết đến nay chỉ có hơn 50% số hộ thuộc diện nghèo vay vốn để làm ăn. Nhiều cán bộ giải thích là do số vốn vay quá nhỏ, các hộ cũng chẳng biết làm gì từ số vốn đó (trung bình được vay 4,33 triệu đồng/hộ).

 

Thứ hai là công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho con em các gia đình nghèo cũng rất khó khăn. Khó khăn ngay từ chính nhận thức của người nghèo. Bà Trinh kể, có lần quận tổ chức dạy nghề thì có hơn 30 em, nhưng học cho đến khi ra nghề thì chỉ có 3 em, dù quận cho tiền để các em đi học. 

 

Năm qua, quận cũng có tổ chức cho 14 em học tiếng Hàn Quốc để đi xuất khẩu lao động, nhưng học xong thì chẳng em nào chịu đi. Quận cũng tổ chức kiếm việc cho 180 em bộ đội xuất ngũ thuộc các gia đình nghèo, nhưng nghe làm việc ở xa địa bàn quận thì không đến 10 em đi. 

 

Theo giải thích của Ban xóa đói giảm nghèo quận 1 thì là do các em ít muốn xa gia đình. Nhưng thực ra, một đại biểu dự họp cho là do đặc thù của quận 1, nếu chỉ cần có một chỗ bán cà phê cóc bên vỉa hè thì cũng có thu nhập vượt hẳn các công chức rồi thì ít ai chịu đi xa.

 

Chị Âu Thanh Thủy, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo phường Cô Giang, quận 1 cho biết: trên địa bàn phường có một chị nhà neo đơn, một mình nuôi con nhỏ, mỗi sáng đẩy xe bán đậu nành cho người đi tập thể dục cũng kiếm được 50 - 60 ngàn đồng/ngày. Khi nghe chủ trương cấm xe 3, 4 bánh tự chế, chị cũng vay 5 triệu để bán tạp hóa trong chung cư, nhưng ế quá cũng quay lại bán sữa đậu nành, dù thường xuyên bị cấm, tịch thu.

 

Một điều nữa là vì địa bàn quận 1 mức sống rất đắt đỏ, nếu giải quyết cho người nghèo đi làm công nhân thì với mức lương công nhân cũng không đủ sống. Vậy là lại quay qua buôn gánh, bán bưng… vì trình độ kém, văn hóa thấp.

 

Ngoài ra, địa bàn quận 1 ngay trung tâm, 9/15 tuyến đường mẫu là nằm trên địa bàn quận nên công tác dẹp hàng rong, quán cóc làm rất gắt gao. Mà người nghèo của quận lại chủ yếu bán hàng rong, quán cóc. Cứ mỗi lần trật tự đô thị bắt thì họ lại trắng tay, lại đi vay quỹ xóa đói giảm nghèo để mua sắm vật dụng mới buôn bán tiếp. Do vậy, công tác xóa nghèo khó giải quyết được căn cơ.

 

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, đúc kết: “Người nghèo ở đâu cũng khổ. Nhưng ở quận 1 càng khổ hơn, vì mức sống ở đây quá cao. Chúng ta cần có định hướng xóa nghèo một cách căn cơ chứ không nên chạy theo thành tích mà hiệu quả thì không có”.

 

Tùng Nguyên