1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xóa cơ chế xin - cho trong khai thác khoáng sản

(Dân trí) - Những giải pháp chặn tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng mỏ khoáng sản lòng vòng, xóa cơ chế xin-cho quyền thăm dò khai thác mỏ… đưa ra trong Luật khoáng sản sửa đổi nhận nhiều ý kiến từ Quốc hội.

Trình bày Dự án Luật khoáng sản sửa đổi, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên, xác nhận nhiều tồn tại, bất cập trong hoạt động khoáng sản như cơ chế xin-cho, “lách” trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước. Tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản chưa có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn…
Xóa cơ chế xin - cho trong khai thác khoáng sản  - 1

Luật khoáng sản sửa đổi kỳ vọng “khắc chế” tình trạng khai thác tài nguyên lộn xộn hiện tại.

Dự thảo luật kỳ vọng đưa ra được hệ thống quy định “khắc chế” tình trạng lộn xộn hiện tại. Cơ quan soạn thảo trước hết đề xuất bỏ các quy định về cấp giấy phép khảo sát khoáng sản mà thay đổi theo hướng luật hóa các quy định liên quan đến điều kiện tổ chức hành nghề thăm dò, khai thác.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động này tăng từ 427 (năm 2000) lên đến 1.350 (năm 2008), hiện đang quản lý, khai thác trên 4.500 mỏ. Giá trị sản lượng ngành khai thác khoáng sản (chưa kể dầu khí) đã đóng góp 3% GPD hàng năm, giải quyết việc làm ổn định cho trên 300.000 người lao động.
Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, chuyển nhường lòng vòng mà không đầu tư xây dựng để đưa mỏ vào khai thác, dự luật cũng bổ sung quy định việc chuyển nhượng giấy phép thăm dò khoáng sản với điều kiện tổ chức, cá nhân được cấp phép thông qua đấu giá quyền thăm dò - khai thác.

Luật khoáng sản sửa đổi “khép” chặt hơn các điều kiện về khu vực khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, đóng cửa mỏ, trình độ năng lực giám đốc điều hành mỏ… Việc khai thác tận thu tại mỏ đã đóng cửa để thanh lý được bãi bỏ.

Một chương hoàn toàn mới được thiết kế nhằm thể chế hóa chủ trương kinh tế hóa ngành địa chất khoáng sản, hạn chế cơ chế xin - cho. Theo đó, có những quy định cụ tể về các nguồn thu của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực địa chất khoáng sản (Điều 76); định giá tài nguyên khoáng sản (Điều 77); bổ sung khoản “phí đền bù tài nguyên khoáng sản”.

Cơ quan thẩm tra - UB Kinh tế của QH đề nghị không quy định thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản mà nhắm khoản thu khi cấp giấy phép giao quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân. Vì việc giao quyền khai thác (cấp mỏ) không thu một khoản nào như thời gian qua là gây thất thu cho ngân sách trong khi thực tiễn một số địa phương đã thu được khoản không nhỏ khi cấp phép khai khoáng.
Xóa cơ chế xin - cho trong khai thác khoáng sản  - 2

Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên: “Nhiều địa phương thu không ít từ việc cấp phép khai khoáng” (ảnh: Việt Hưng).

Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền đề nghị thu khoản giao quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân thông qua đấu giá hoặc cấp giấy phép trực tiếp.

Về định giá tài nguyên chưa khai thác, UB vẫn băn khoăn về tính khả thi vì khó xác định trữ lượng khoáng sản, điều kiện thăm dò, khai thác chi phí để thăm dò, khai thác, biến động giá trên thị trường… Tuy nhiên, vẫn cần định giá tất cả các mỏ, khu vực khoáng sản trước khi đấu giá hoặc cấp phép để việc khai thác có chất lượng hơn.

Quy định về đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản nhận nhiều ý kiến cảnh báo về tính rủi ro trong hoạt động thăm dò. Nhưng việc đấu giá quyền khai thác lại rất cần thiết để quản lý hoạt động này trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những tiêu cực kiểu xin - cho hiện nay.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm