1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Xóa” biệt thự “tự mọc” trên đất nông nghiệp trước 30/9

(Dân trí) - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Thịnh cho biết, sẽ không có chuyện tạm hoãn tháo dỡ các công trình Công ty Yến Long xây dựng trên đất nông nghiệp. Huyện Từ Liêm đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng chậm nhất vào 30/9.

Tại buổi giao ban báo chí tại Thành uỷ Hà Nội, chiều 28/6, ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện Từ Liêm đã nhanh chóng vào cuộc xử lí sai phạm của Cty TNHH Yến Long trên diện tích hơn 10.000m2 đất nông nghiệp thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện, khi các cơ quan chức năng của huyện vào khu đất trên để lập biên bản đã không gặp được đại diện của Cty Yến Long.

Sau khi Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo xử lí nghiêm vụ việc, thành phố đã giao cho huyện phân công các cơ quan, trong đó có Công an, Viện kiểm sát vào cuộc. Lúc này, Cty Yến Long mới chủ động gặp lãnh đạo UBND huyện và đề nghị được tự tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu đất.
“Xóa” biệt thự “tự mọc” trên đất nông nghiệp trước 30/9 - 1
Nhiều biệt thự đã "tự mọc" trên đất nông nghiệp (Ảnh: Bằng Linh)

Ban đầu thành phố yêu cầu huyện phải xử lí xong trước ngày 5/9 (báo cáo kết quả trước ngày 8/9), nhưng khi huyện lên kế hoạch đã đề nghị giãn tiến độ hoàn thành đến 30/9. Thành phố đã đồng ý với đề nghị này và yêu cầu phải tháo dỡ toàn bộ các công trình trên khu đất để bàn giao mặt bằng đúng thời hạn 30/9.

UBND huyện Từ Liêm sau đó đã đồng ý cho Cty Yến Long tự tháo dỡ, nhưng Cty này đề nghị được tạm hoãn thực hiện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về quan điểm của thành phố đối với đề nghị của Cty Yến Long, ông Thịnh khẳng định, sẽ “không có chuyện tạm hoãn”. Thành phố đã giao cho huyện xử lí và trong trường hợp Cty không tự tháo dỡ, huyện sẽ tháo dỡ.

“Huyện Từ Liêm đã cam kết, 30/9 sẽ bàn giao mặt bằng cho thành phố”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trở lại diễn tiến vụ việc, trong những năm 2004, 2005, Cty Yến Long đã tự liên hệ mua gom trên 10.000m2 đất nông nghiệp của 12 hộ dân tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, sau đó xây nhà ở, biệt thự… để kinh doanh.

Toàn bộ diện tích nông nghiệp trên nằm trong khu vực UBND thành phố đã có quyết định thu hồi từ ngày 5/12/2008 để xây dựng khu tái định cư cho dự án đường Vành đai 3 và đường 32.

Vụ việc được báo chí ví như “con voi chui lọt lỗ kim” và đã khiến rất nhiều người ngỡ ngàng.
 

Đang tính toán thiệt hại của chủ đầu tư khách sạn SAS

Tại buổi giao ban, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí xung quanh việc dừng xây dựng khách sạn SAS tại công viên Thống Nhất, ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, hiện thành phố, chủ đầu tư đang đàm phán một số vấn đề sau khi dừng dự án. Phía chủ đầu tư cho biết đã đầu tư vào dự án này tổng cộng 14,5 triệu USD (dự án đã hoàn thành phần móng cọc) và tổng thiệt hại của liên doanh trong dự án thậm chí còn lớn hơn con số này. Hiện phía Hà Nội đang tính toán xem con số thiệt hại như chủ đầu tư đưa ra có hợp lí không. Bên cạnh việc bố trí một địa điểm khác, trên cơ sở tính toán thiệt hại, thành phố sẽ hỗ trợ thêm cho chủ đầu tư… Việc giải quyết các vấn đề sau khi dừng dự án theo ông Thịnh là “không hề đơn giản”.

Dự án khách sạn tại công viên Thống Nhất được khởi công tháng 6/2008 trên nền diện tích 10.300 m2 (trong đó có đến 9.000m2 vốn là đất của công viên). Theo thiết kế, khách sạn này sẽ có 2 tầng hầm và 5 tầng bên trên… với tổng vốn đầu tư là 40 triệu USD. Sau khi có những ý kiến của các kiến trúc sư, người dân cùng với kiến nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến dừng dự án (ngày 14/4/2009), giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá, xác định kinh phí do Công ty liên doanh đã đầu tư vào Dự án và đề xuất phương án xử lý. 

 
Cấn Cường