1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xin vợ cho “cặp bồ” để truy tìm “voi tặc”

“Vua voi” Đàng Năng Long - người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên - đã lấy tiền nhà, thuê “xế xịn” giả làm Việt kiều cặp bồ với một cô gái xinh đẹp, tìm đến tất cả các địa điểm “nhạy cảm” chỉ để mong tóm cổ “voi tặc”.

Bị những kẻ thủ ác liên tục tấn công nhằm cắt ngà, xẻ thịt, chặt đuôi voi nhà 4 lần liên tiếp nhưng cơ quan chức năng lại “bó tay” vì không tìm ra chứng cứ, Đàng Năng Long - người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên - đã lấy tiền nhà, thuê “xế xịn” giả làm Việt kiều cặp bồ với một cô gái xinh đẹp, tìm đến tất cả các địa điểm “nhạy cảm” chỉ để mong tóm cổ “voi tặc”.

 

Xin vợ cho “cặp bồ” để truy tìm “voi tặc”  - 1
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
"Vua voi" Đàng Năng Long 

Sáng 30/9, Đàng Năng Long có mặt tại Hà Nội dự triển lãm Những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây nguyên và cuộc tọa đàm Làm sao để bảo tồn loài voi ở Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng, tại Thư viện Quốc gia.
 

Vác tiền nhà, la cà tìm thủ phạm

 

Đàng Năng Long là đời thứ tư trong dòng họ có truyền thống săn bắt, thuần hóa voi. Chỉ tính từ đời bố Đàng Năng Long cho đến nay gia đình anh đã săn bắt và thuần hóa được 47 con voi. Nhưng nếu tính cả mẹ kế thứ 3 của anh, (hiện nay đang sống ở Bản Đôn) sau khi kết hôn với bố anh thì lịch sử gia đình anh đã sở hữu và “phân phối” voi cho các địa phương thuộc Tây Nguyên cả thảy lên đến hơn 500 con.

 

Sau giải phóng, gia đình Đàng Năng Long đã giúp chính quyền tỉnh Đắk Lăk mang 6 con voi sang tặng Cuba và 3 con tặng cho Cộng hòa Dân chủ Đức. Luật pháp cấm việc săn bắt voi nên từ lâu, Đàng Năng Long không còn được “tung hoành” đây đó trên đại ngàn Tây Nguyên mà ở nhà chăm sóc những con voi mà bố mẹ anh đã để lại và thế hệ kế tiếp của chúng. Nếu đàn voi nhà không sinh sản được nữa thì đàn voi nhà của Tây Nguyên chắc chắn sẽ biến mất.

 

Kể từ ngày tiếp quản, “voi tặc” đã tấn công đàn voi của Đàng Năng Long 4 lần. Vụ đầu tiên chính là vụ voi Beckham và cũng là vụ giết hại voi đầu tiên ở bản thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. “Lúc đó tôi báo cho cơ quan pháp luật đến nhưng không tìm ra chứng cớ. Nhiều người còn đặt câu hỏi: biết đâu voi chết do bệnh tật? Nhưng bằng trực giác và cảm nhận của một người nuôi voi từ bé, tôi nghĩ voi của tôi bị giết hại, nhưng để tìm ra tội phạm thì lúc đó tôi chịu!” - Đàng Năng Long kể.

 

Ba vụ còn lại mà voi của gia đình Đàng Năng Long bị chặt đuôi là con H’Khun, con B’lanh và đặc biệt là vụ con voi H’Túc bị chặt đuôi một cách dã man ngày 1/3/2010. Không thể nén nhịn nỗi đau mất voi thêm nữa, “vua voi” quyết định tự mình vào cuộc điều tra, quyết tâm tìm ra thủ phạm để đưa ra chúng ra trước pháp luật.

 

Theo luật tục, những người săn bắt và thuần dưỡng voi không được “léng phéng” với bất kỳ phụ nữ nào ngoài vợ mình. Vì vậy, trước khi lên đường “phá án”, Đàng Năng Long đã “triệu tập một cuộc họp gia đình”, quyết định dùng tiền thuê ô tô và một cô gái xinh đẹp “cặp bồ” với mình, giả làm Việt kiều để thực hiện kế hoạch.

 

Đàng Năng Long kể: “Tôi và “bồ” của tôi cặp kè với nhau đi đến tất cả các tiệm vàng, các nhà hàng, khách sạn, các quán karaoke để nghe ngóng, dò hỏi thông tin về những kẻ giết voi. Tôi cũng ra kèo với một số người rằng, nếu nghe ngóng hoặc bắt gặp bất kỳ ai đả động đến chuyện voi, mua bán các thứ liên quan đến voi thì thông báo cho tôi biết. Đổi lại, nếu thông tin không chính xác, tôi trả 500 ngàn, chính xác thì từ 2 triệu đồng trở lên và cam đoan sẽ bảo vệ mạng sống cho người cung cấp tin...”.

 

Xin vợ cho “cặp bồ” để truy tìm “voi tặc”  - 2
Voi Pắc Cú bị giết hại



Sau một thời gian nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối cùng Đàng Năng Long cũng đã được đền đáp. Có hai người đến gặp anh cung cấp thông tin quan trọng về 4 đối tượng đã chặt đuôi voi H’Túc của anh ở cách địa phương hơn 100 km. Lập tức, “vua voi” báo cáo với cơ quan công an và cùng lên đường tóm gọn 4 kẻ thủ ác. Tuy nhiên, đến khi ra trước vành móng ngựa, những đối tượng này chỉ bị xử với khung “trộm cắp tài sản”. Một mức án được nhiều người cho là “phủi bụi”, là “muỗi” so với những gì chúng đã hành xử với “những người bạn lớn” của núi rừng Tây Nguyên.

 
Voi bị đe dọa ngay cả khi đã chết
 

Với người thuần hóa voi chân chính thì ngay từ khi bắt được voi về, họ sẽ làm lễ cúng, đặt tên cho voi và nhận voi là thành viên, là “con cái, máu mủ” trong gia đình. Khi voi mất đi thì phải làm lễ an táng và “chia tài sản” giống như người.

 

Nhưng để giữ được luật tục này cũng là cả một vấn đề bởi lẽ, lo cho “người bạn lớn” về với thế giới bên kia đòi hỏi những người chủ của nó cũng phải dồi dào về kinh tế. Khi một con voi chết, cần phải có tiền để thuê máy cẩu đưa xác đi, thuê máy múc đào huyệt và thuê cả người canh giữ mộ phần của voi, tránh việc kẻ xấu khai quật, xâm hại đến thi thể voi... Đàng Năng Long trải qua nhiều phen như thế.

 

Anh kể: “Voi chết cũng có giá trị không thua kém gì voi sống. Ví dụ, con Y’Trưt nhà tôi chết, có người đến trả 100 triệu. Nhiều người khuyên tôi bán đi, nhưng tôi quyết không bán mà bỏ ra 17 triệu đồng để lo ma chay cho Y’Trưt. Đó là chưa kể, những người đến lo tang cho nó đều không lấy tiền công”.

  

Hiện nay, theo Đàng Năng Long cho biết, ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có khoảng hơn 30 con voi. Chưa biết rồi đây các cơ quan chức năng sẽ có những “quyết sách” gì trong việc hỗ trợ bà con bảo tồn voi hay không? Nhưng hàng ngày, bà con dân bản vẫn tự nguyện hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ, chăm sóc đàn voi của chính họ. “Bây giờ, voi đau ốm, động dục vẫn chưa có bác sĩ, và chúng tôi vẫn phải chữa trị cho voi bằng phương pháp dân gian. Cách làm này tự phát, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp hỗ trợ thì không bao lâu nữa voi Tây Nguyên sẽ tuyệt chủng!” - Đàng Năng Long lo lắng.
 

Sẽ chất vấn Bộ trưởng về đàn voi

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người cùng “xắn tay áo” cùng các các nghệ sỹ Lê Văn Thao, Nguyễn Bá Ngọc khảo tả bằng ảnh và viết “lý lịch”, đặc điểm của 51 (trong tổng số 52) con voi nhà đang sống tại Đắc Lắk cho biết: Từ chỗ hơn 500 con vào năm 1985, nay đàn voi nhà chỉ còn 52 cá thể, tức 1/10.

  

Theo dự báo của các nhà khoa học, chỉ chừng 20 năm nữa, đàn voi này cùng với những buôn làng Tây Nguyên vang bóng một thời với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng sẽ chỉ còn là “di sản”. Với tư cách Đại biểu Quốc hội, ông dự kiến sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về vấn đề này tại Quốc hội.

 
Theo Huy Thông
TT&VH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm