(Dân trí) - Ai bị bệnh cũng mong ngày xuất viện, riêng Thu Thủy dù đã khỏe mạnh vẫn muốn là bệnh nhân của khoa Nội 2, BV Ung Bướu TPHCM để được các bác sĩ nơi đây tiếp tục theo dõi sức khỏe cho mình.
Cô bệnh nhân khóc trong tuyệt vọng
Năm 2009, Đoàn Thị Thu Thủy (SN 1986, quê ở Quảng Nam) nhập viện BV Ung Bướu TPHCM vì khối u chiếm 2/3 lưng. Sau khi đã chạy chữa nhiều nơi, đến lúc nghe kết luận “ung thư giai đoạn 4” (lymphôm tế bào lớn, grad cao) của BV Ung Bướu, Thủy òa khóc ngay tại phòng hành chính. Lúc ấy, Thủy chỉ tha thiết một điều: “Xin bác sĩ chữa cho em, không cần biết tỷ lệ thành công bao nhiêu, chỉ cần bác sĩ chữa trị cho em là em vui rồi!”. Và bác sĩ Lưu Hùng Vũ, khoa Nội 2 tiếp nhận hồ sơ bệnh án của Thủy.
Thu Thủy xem khoa Nội 2, BV Ung bướu TPHCM là nơi sinh ra mình lần thứ 2
Gia đình Thủy làm nghề trồng rau, đến lúc Thủy vào BV Ung Bướu thì đã cầm cả sổ đỏ rồi. Không biết phải xoay sở làm sao, người nhà bảo em về quê chữa bằng thuốc nam, sống được ngày nào hay ngày đấy.
Nhưng em kiên quyết ở lại và bắt đầu chuỗi ngày chống chọi với bệnh ung thư mà không có người thân bên cạnh. Nhưng Thủy không đơn độc, các bác sĩ Lưu Hùng Vũ, Phan Minh Châu, Nguyễn Đình Thanh Thanh… và các điều dưỡng luôn động viên Thủy. Thấu hiểu gia cảnh của cô bệnh nhân kiên cường này nên khoa Nội 2 luôn tạo điều kiện để em được điều trị với chi phí phù hợp.
Nụ cười chiến thắng của Thu Thủy trước bệnh ung thư giai đoạn cuối (ảnh do nhân vật cung cấp)
“Bác sĩ Vũ như một người cha - người anh của em vậy. Bao nhiêu nỗi lo lắng, khổ đau của em, bác sĩ đều lắng nghe. Bác sĩ chỉ “sợ” nhất là em khóc và dọa em rằng: “Em mà khóc là tôi không nói chuyện nữa đâu đấy”, thế là em hết dám khóc luôn” - Thủy vui vẻ kể lại.
Hiện giờ, sức khỏe Thu Thủy đã ổn định và sinh sống ở quê nhà. Trong niềm vui của cô gái sắp lên xe hoa, Thủy vẫn canh cánh bên lòng mối ơn sâu nặng với các bác sĩ khoa Nội 2 của BV Ung Bướu.
“Chúng tôi chẳng có công gì mấy”
Lật lại từng trang bệnh án của Đoàn Thị Thu Thủy, bác sĩ Lưu Hùng Vũ mỉm cười: “Đây là ca bệnh để lại nhiều ấn tượng vì cô bé này rất kiên cường, không chịu đầu hàng bệnh tật. Khi vào 2 toa thuốc đầu tiên, phản ứng phụ vô cùng khó chịu nhưng em Thủy vẫn kiên trì chịu đựng, dù nằm viện chỉ có một mình.
Sau 8 đợt hóa trị thì bệnh đáp ứng thuốc tốt, bướu lớn, bướu nhỏ đều biến mất. Thường thì ung thư tái phát trong 2 năm đầu nhưng đã 2 năm rưỡi rồi chưa có dấu hiệu gì, trên 5 năm thì coi như em Thủy đã khỏi hoàn toàn. Có kết quả ngoạn mục như vậy chủ yếu là nhờ tinh thần của em ấy chứ chúng tôi chẳng có công gì mấy”.
BS Lưu Hùng Vũ chăm chú thăm khám khối u ở cổ của bệnh nhân
Bước chân vào khoa Nội 2 mới thấy “chẳng có công gì mấy” như lời của bác sĩ Vũ không hề đơn giản. Từ chân cầu thang cho đến trước phòng hành chính luôn thường trực đám đông bệnh nhân chờ tới lượt. Giường bệnh, sàn nhà, hàng lang… đâu đâu cũng là bệnh nhân, tạo cho các y-bác sĩ áp lực vô cùng lớn.
Nhiều bệnh nhân là người nghèo ở các tỉnh xa không hiểu các thủ tục thì phải hướng dẫn cho họ, và lời căn dặn của bác sĩ thì đâu phải chỉ nói một lần là họ làm đúng… Nhiều việc phức tạp nảy sinh ở một cộng đồng đông đúc đến từ nhiều vùng miền, phải chen chúc với nhau hàng tháng ròng. Thế mà đâu đó vẫn có những lời phàn nàn, các BS ở khoa Nội 2 chỉ động viên nhau: “Cứ hết lòng với bệnh nhân thì họ sẽ hiểu mình”.
Điều dưỡng trưởng Mai Hoa lắng nghe hoàn cảnh của bệnh nhân nghèo để đưa ra phương án hỗ trợ
Do không gian chật hẹp, việc pha chế thuốc tiến hành ngay tại phòng điều dưỡng
Niềm vui của họ là bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt và không bỏ cuộc giữa chừng. Và có niềm vui giản đơn trong ngày Thầy thuốc Việt Nam, cả phòng bệnh góp tiền tặng bác sĩ một lẵng hoa nhỏ, bệnh nhân đã bình phục gửi thư cảm ơn, bệnh nhân ngoại trú điện thoại chúc mừng…
Riêng cô bệnh nhân hay khóc Đoàn Thị Thu Thủy vẫn xin “được” làm bệnh nhân ở khoa Nội 2, BV Ung Bướu TPHCM để thỉnh thoảng đi tái khám, để được gặp những ân nhân đã cứu em thoát khỏi bàn tay tử thần.