1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Xét xử vụ tham nhũng tại Vietsovpetro

Đúng 8h30 sáng nay, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai mạc phiên tòa xét xử vụ tham ô, cố ý làm trái lớn nhất từ trước đến nay trong ngành dầu khí. Các bị cáo, đa số là những cán bộ cao cấp, đã gây thất thoát cho Nhà nước gần 55 tỉ đồng, trong đó “bỏ túi” riêng hơn 33 tỷ đồng.

7 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Quang Thường (Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam), Dương Quốc Hà (nguyên Phó tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt- Xô VSP), Trần Quang (Xưởng trưởng xưởng điện lạnh và vận tải PTSC, đồng thời là ông chủ của 4 công ty Talika, Leverton, Interpet và Interpet Việt Nam), Nguyễn Mạnh Hùng (Trưởng phòng thương mại PTSC), Cao Duy Chính (Phó giám đốc kho ngoại quan PTSC), Trần Ngọc Giao (Chủ tịch Hội đồng quản trị Interpet Việt Nam) và Trần Ngọc Long (nhân viên xưởng điện lạnh và vận tải PTSC).

 

Theo cáo trạng,Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập, là thành viên của tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

 

Từ năm 1999 đến  tháng 10/2001, Công ty PTSC do Nguyễn Quang Thường làm giám đốc. Cấp dưới của Thường gồm có: Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng thương mại; Cao Duy Chính, Phó giám đốc kho ngoại quan; Trần Quang,  Xưởng trưởng Xưởng điện lạnh và vận tải, Trần Ngọc Long, công nhân của Xưởng điện lạnh và vận tải.  

 

Tuy nhiên, từ năm 1996 Trần Quang (cán bộ thuộc biên chế của PTSC từ năm 1985 - 2003) đã góp vốn với Maxim, quốc tịch Nga thành lập cùng lúc 3 công ty: Talika, Leverton, Interpet đều hoạt động ở nước ngoài để cung cấp thiết bị cho Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt xô (VSP). Tới năm 1998, Quang và Maxim lập thêm Công ty Interpet Việt Nam, trụ sở đóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 100% vốn nước ngoài . Trên thực tế cả 4 công ty này đều do Trần Quang trực tiếp điều hành.

 

Năm 1998, dự án xây dựng nhà block 140 chỗ nằm trong Tổ hợp công nghệ trung tâm 3 thuộc vòm nam mỏ Bạch Hổ được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt.

 

Đến năm 1999, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt kế hoạch đầu thầu xây dựng dự án nói trên, theo phương thức đấu thầu quốc tế 2 giai đoạn. Thực hiện quyết định trên, ngày 15/5/1999, VSP đã gửi thư mời giai đoạn 1 đến 18 nhà thầu, trong đó có viện Corall (Ukraina) - một tổ chức có kinh nghiệm thiết kế các công trình trên biển và từng tham gia nhiều dự án của VSP.

 

Thông qua Trần Quang, Nguyễn Quang Thường đã gặp lãnh đạo Viện Corall để hợp tác thành lập liên danh tham gia đấu thầu dự án nói trên. Đầu tháng 11/1999, biết tin liên danh PTSC/Corall trúng thầu, Dương Quốc Hà, Phó Tổng giám đốc VSP đồng thời là phó hội đồng xét thầu đã thông qua Trần Quang để gặp Thường bàn bạc chuyện nâng giá, chiếm đoạt tiền nhà nước.

 

Qua Trần Quang, Thường và Hà gặp nhau tại khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội. Tại đây, Thường thông báo giá bỏ thầu là 15,5 triệu USD, nhưng giá “hờ” là 17,2 triệu USD. Nghe vậy, Hà nói với Thường cứ bỏ giá thầu 17,2 triệu USD vẫn trúng. Thường không chịu mà nói sẽ giảm xuống 3%, còn 16,9 triệu USD. Số tiền chênh lệch 1,4 triệu USD (16,9 -15,5 triệu USD), Thường và Hà thống nhất sẽ giao cho Trần Quang tìm cách rút ra, chia nhau.  

 

Để rút được tiền chênh lệch như thỏa thuận, Thường đã giao cho Chính, Hùng, Phong trực tiếp đàm phán với Corall và ép đối tác này chỉ thực hiện phần việc thiết kế, kỹ thuật; còn mua sắm vật tư, thiết bị thi công và thanh toán tiền của dự án thì phải giao cho Thường, Quang thực hiện. Theo đó, phía PTSC  thực hiện phần việc có giá trị là 8,273 triệu USD, Viện Corall là 8,723 triệu USD. Trong phi vụ này, Thường, Quang và đồng bọn đã hưởng chênh lệch 2,288 triệu USD.

 

Cũng trong thời gian đó, Trần Quang biết có dự án sửa chữa ballast Đại Hùng 1 nên đã thông báo cho Thường biết. Thường  giao Quang theo dõi để tham gia đấu thầu và sau đó đã trúng thầu và được Dương Quốc Hà ký hợp đồng với Thường trị giá 2,976 triệu USD. Sau khi trúng thầu, Trần Quang bàn với Thường làm giả hợp đồng với Viện Corall sửa chữa giàn ballast với trị giá 2,703 triệu USD.

 

Theo dự án ballast phải chữa là 34 tank, nhưng khi sửa chữa được 24 tank thì được đăng kiểm Lloyd chấp nhận nên VSP quyết định dừng và thanh toán cho Trần Quang số tiền tương đương 60% trị giá hợp đồng (1,551 triệu USD). Theo VKSND Tối cao sau khi tính toán trừ tất cả các loại chi phí, Trần Quang còn thu lãi được hơn 900 ngàn USD.

 

Như vậy, trong vụ án này các bị cáo đã, bỏ ngoài sổ sách, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 3,4 triệu USD (tương đương gần 55 tỉ đồng). Trong đó, các bị cáo đã tham ô, chiếm đoạt tiền Nhà nước gần 2,2 triệu USD (hơn 33,3 tỉ đồng).

 

Theo Gia Khang
VietNamNet