1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xét cơ chế đặc thù làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

(Dân trí) - Sáng 9/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp xem xét cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.

Xét cơ chế đặc thù làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp xem xét cơ chế đặc thù phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (ảnh: Chinhphu.vn).
 
Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng trình bày các đề xuất phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, triển khai đề án hỗ trợ nói trên. Tỉnh Ninh Thuận và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, cấp bách. Trong đó có các dự án như hồ thủy lợi Tân Mỹ, Đầm Nại, cầu Ninh Chữ, một số tuyến đường ven biển,…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ quan tiếp tục hoàn thiện Đề án, trong đó chú trọng về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, làm rõ những tác động, điểm mới khi triển khai Nhà máy điện hạt nhân theo từng giai đoạn tiến độ xây dựng Nhà máy.

Trong các đề xuất cơ chế hỗ trợ, Phó Thủ tướng gợi ý cần chia ra các giai đoạn phù hợp để đảm bảo cân đối nhu cầu với nguồn lực, đưa thêm các dự án hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, y tế,… cho người dân trong vùng.

“Quan trọng là phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư trên cơ sở tiến độ phù hợp với 2 dự án điện hạt nhân và đảm bảo lồng ghép hợp lý với các quy hoạch, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đang và sẽ triển khai trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về nội dung một số kiến nghị đầu tư, dự án cụ thể mà Ninh Thuận dự kiến trình lên để hoàn thiện nội dung đề án trước khi trình lên cấp có thẩm quyền.
 

Theo báo cáo, đến thời điểm này, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Song song với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với việc cử 235/325 sinh viên và 24 kỹ sư học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008).

P.Thảo