1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xe thang đâm móp đầu ô tô 16 chỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Do lái xe thang thiếu quan sát đã đâm va vào ô tô 16 chỗ đang dừng chờ trong khu bay. Cú va chạm mạnh khiến xe 16 chỗ bị vỡ cản trước, đầu xe bị móp.

Sự việc nói trên xảy ra mới đây tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM.

Cụ thể, trong quá trình điều khiển xe thang, ông V.Đ.T. (nhân viên của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn - SAGS) đã thiếu quan sát, lùi xe thang từ khu vực tập kết đối diện với vị trí đỗ tàu bay đến sát đường công vụ và va chạm với một xe 16 chỗ đang dừng chờ ở lề đường để nhân viên hãng hàng không xuống xe.

Cú va chạm mạnh khiến xe 16 chỗ bị vỡ cản trước, đầu xe bị móp.

Xe thang đâm móp đầu ô tô 16 chỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất - 1
Hoạt động phục vụ mặt đất trong khu bay (ảnh minh họa)

Trước đó, cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất, một xe nâng hàng của SAGS đã va chạm với xe tra nạp nhiên liệu của trong khu bay, thời điểm xảy ra va chạm xe nhiên liệu đã dừng hẳn để nhường đường cho xe nâng hàng của SAGS chạy qua. Vụ việc được xác định do lái xe của SAGS thiếu quan sát.

Không chỉ va chạm với ô tô, xe kéo trong sân bay, một số vụ xe thang đâm va với máy bay cũng đã từng xảy ra.

Điển hình là sự cố nghiêm trọng hồi tháng 8/2019, khi một chiếc máy bay Boeing 787-9 chuẩn bị khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Osaka (Nhật Bản) thì bị xe thang của VIAGS va vào.

Cú va chạm làm phần thân dưới, khu vực cửa sau cùng gần đuôi máy bay bị rách, móp, kích thước khoảng 20 x 20cm. Hãng hàng không phải ngừng khai thác chiếc Boeing 787-9 để xử lý kỹ thuật. Toàn bộ 265 hành khách trên chuyến bay đi Nhật Bản bị chậm chuyến.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác công tác đảm bảo an toàn hoạt động của các phương tiện hoạt động trong khu bay.

Nhằm giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn của các phương tiện hoạt động trong khu bay, Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không quán triệt nhân viên nâng cao ý thức văn hóa an toàn hàng không, tuân thủ nghiêm các quy định an toàn khai thác tại cảng hàng không, quy trình vận hành khai thác phương tiện mặt đất; thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, đảm bảo nhân viên thực hiện thuần thục công việc chuyên môn.

Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, Cục Hàng không yêu cầu cần tiến hành rà soát, cải tiến quy trình vận hành khai thác phương tiện, tài liệu huấn luyện đào tạo chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cảng hàng không.

Trong quy trình vận hành khai thác, tài liệu đào tạo cần có nội dung hướng dẫn nhân viên nhận diện, ngăn chặn các mối nguy gây mất an toàn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện; tuân thủ nghiêm quy trình bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị, hạn chế tối đa các sự cố hỏng hóc phương tiện, trang thiết bị khi đang khai thác và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi vi phạm quy định an toàn, quy trình vận hành khai thác phương tiện mặt đất.

Đối với Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), cơ quan này yêu cầu chỉ đạo các cảng hàng không thành viên giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện trên khu bay để kịp thời phát hiện các vi phạm quy định an toàn khai thác khu bay, đồng thời phối hợp với Cảng vụ hàng không khu vực xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định an toàn khai thác khu bay, quy trình khai thác cung cấp dịch vụ để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại cảng hàng không và nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả khai thác.