1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xe tạm nhập quá hạn: Phạt cho tồn tại?!

Theo thống kê từ đầu năm đến nay đã có 2.178 lượt xe ôtô mang biển kiểm soát (BKS) Lào tạm nhập vào Việt Nam trong đó 50% lái xe là người Việt. Ông Nguyễn Quang Thanh - Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh cho biết về quản lý loại xe này.

Kể từ ngày 1/1/2006 đến nay, tại cửa khẩu Cầu Treo có bao nhiêu xe ôtô mang BKS Lào tạm nhập và tái xuất?

Tính từ ngày 1/1 đến 6/4/2006 đã có 2.178 lượt xe ôtô mang BKS Lào tạm nhập vào Việt Nam và 2.290 lượt xe ôtô mang BKS Lào tái xuất. Có khoảng 70% số xe ôtô đó là phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (XNC) với mục đích thương mại (kể cả xe khách của các cá nhân và tổ chức vận tải hành khách Du lịch Việt - Lào). Còn khoảng 30% là xe XNC phi thương mại, bao gồm xe cá nhân đi du lịch, thăm người thân và xe công vụ.

Đã có bao nhiêu trường hợp khi trở lại làm thủ tục tái xuất  thì xe đã quá hạn lưu 30 ngày tại Việt Nam?

Xe tạm nhập quá hạn: Phạt cho tồn tại?! - 1
  

Ông Nguyễn Quang Thanh

Theo thống kê, tính từ 1/1 đến 7/4/2006 đã có 52 trường hợp xe ôtô mang BKS Lào khi trở lại làm thủ tục để tái xuất đã quá thời hạn quy định được phép lưu trú tại Việt Nam. Và phần lớn lí do những người vi phạm đưa ra là do xe bị hỏng nên phải lưu lại quá thời hạn để sửa chữa, một số khác thì lại trình bày là họ không nắm được quy định là chỉ được phép lưu trú tại Việt Nam với thời hạn là 30 ngày.

Những trường hợp này, chúng tôi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt (mức phạt chung là 400.000đồng/trường hợp không tình theo thời gian quá hạn) theo quy định, rồi làm thủ tục cho tái xuất.

Đã có bao nhiêu trường hợp chỉ thấy tạm nhập mà không thấy tái xuất và những trường hợp này xử lí thế nào?

Theo thông kê thì đến ngày 31/12/2005 còn 98 xe ôtô mang BKS Lào đã tạm nhập vào Việt Nam (qua cửa khẩu Cầu Treo) nhưng chưa tái xuất hoặc đã tái xuất qua những cửa khẩu khác nên cũng không theo dõi được.

Những trường hợp này, chúng tôi đã thống kê và báo Cục hải quan Hà Tĩnh để tổng hợp báo cáo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Cảnh sát theo quy định tại Công văn số 2710/TCHQ – GSQL ngày 11/7/2005 của Tổng cục Hải quan.

CSGT  các tỉnh/thành phố cho biết là không quản lí được số lượng xe mang BKS Lào chạy trên địa bàn. Vì sao Hải quan, CSGT, Sở GTCC không kết hợp để quản lí?

Theo quy định, cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục cho các xe ôtô có đủ các giấy tờ theo quy định được phép tạm nhập. Còn khi đã vào lãnh thổ Việt Nam thì việc quản lí các phương tiện đó là của các cơ quan chức năng khác.

Ngành Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo quản lí loại xe này, chẳng hạn như: Công văn 3343/TCHQ – GSQL, ngày 19/8/2005 và Công văn 2710/TCHQ - GSQL, ngày 11/7/2005... báo cáo các trường hợp xe ôtô mang BKS Lào đã tạm nhập vào Việt Nam nhưng quá thời hạn quy định vẫn chưa tái xuất. Và tiến tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin (xây dựng phần mềm quản lí và kết nối mạng toàn ngành) để quản lí chặt chẽ hơn với loại xe này.

Chi cục trưởng có biết và nắm được một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng vào Nghị định thư và Hiệp định liên vận Việt - Lào để mua xe trốn thuế không?

Thực tế đã có một vài trường hợp như báo chí đã đề cập. Tuy nhiên, Nghị định thư và Hiệp định đã quy định là xe mang BKS Lào chỉ được phép lưu trú tại Việt Nam 30 ngày (trừ những trường hợp được gia hạn theo quy định), do đó không thể lợi dụng vào Nghị định thư và Hiệp định liên vận để mua xe trốn thuế rồi mang xe về Việt Nam sử dụng.

Vấn đề ở đây là cách quản lí của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong nội địa đối với các xe ôtô này như thế nào để họ không thể lợi dụng được.

Các xe cá nhân và xe công vụ có giấu hàng (những mặt hàng phải đóng thuế) theo xe không? Khi gặp trường hợp này thì xử lí thế nào?

Các xe cá nhân và xe công vụ (mang BKS Lào) chiếm tỉ lệ là 30% và chủ yếu là xe con. Nhìn chung khi về họ có mang theo một số mặt hàng nhưng theo dạng tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo Hộ chiếu (dưới 5 triệu đồng) hoặc là hàng của cư dân biên giới miễn thuế (dưới 500.000 đồng). Các trường hợp vi phạm chủ yếu là các xe XNC với mục đích thương mại.

Đánh giá của cá nhân ông về vấn đề này?

Hiệp định liên vận Việt - Lào và Nghị định thư đã tạo điều kiện thuận lợi về giao thông giữa hai nước Việt - Lào, từ đó thúc đẩy quan hệ ngoại giao, thương mại, du lịch... giữa hai nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn như đã nói, nhất là sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lí các xe ôtô mang BKS Lào đang lưu hành tại Việt Nam.

Theo Thanh Long
VietNamnet