1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xe ôm và những “chiêu” hành khách

(Dân trí) - Chưa bao giờ thấy đội quân xe ôm đông như bây giờ. Càng về cuối năm, lực lượng xe ôm càng đông đảo. Tại các giao lộ, điểm dừng xe buýt, cổng bệnh viện và nhất là các bến tàu xe, đâu đâu cũng thấy xe ôm “bao vây”, chèo kéo, “chém đẹp” khách.

“Bao vây”, chèo kéo…

 

Khoảng 11 giờ ngày 29/11, tại cổng bến xe Gia Lâm, mật độ xe khách từ các tỉnh lên Hà Nội rất đông. Đây cũng là “giờ vàng” của cánh xe ôm. Họ đứng ngồi la liệt ở khu vực cổng vào và trong những quán cóc xung quanh bến. Vừa lúc một chiếc xe du lịch 24 chỗ ngồi mang biển số 16K-… chầm chậm đi vào. Tất cả cánh xe ôm, không ai bảo ai, cùng chạy ùa theo xe. Cửa xe chưa mở nhưng bên ngoài xe đã nhao nhao mớ âm thanh hỗn độn: “Áo sọc cam nhá”, “Em mặc áo bò đấy nhá”,… Vài vị khách mồ hôi nhễ nhại, tay xách nách mang, chưa bước được xuống xe đã bị xe ôm lôi đi, giành cầm hành lý,... Dù khách có ra hiệu không đi vẫn bị bám đuổi tới cùng.

 

Tình trạng này ở bến xe nào cũng có, khiến hành khách vô cùng khó chịu. Một hành khách bức xúc: “Từ trong bến ra tới ngoài bến, khu vực nào họ cũng xuất hiện, gây cho hành khách rất nhiều phiền toái. Phải mất hơn 10 phút tôi mới thoát ra được chỗ người nhà đón. Qua lại bến xe này đã nhiều năm nay, tôi thấy tình trạng này chưa có mấy thay đổi. Vẫn xe ôm tụ tập “bám” khách”.

 

Xuân Đức, một xe ôm có thâm niên ở đây, cho biết: “Làm trong bến xe chỉ được cái là ít bị công an hỏi thăm nhưng không kiếm được bằng mấy ông chạy dạo ở các giao lộ hay cổng bệnh viện… Đã làm ở bến xe là phải chấp nhận lao vào những “cuộc chiến” cướp khách như thế đấy, ngồi ỳ một chỗ là ăn cám ngay”.

 

Trục đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, các đoạn chạy qua  khu vực gần bến xe Hà Đông cũng là những “thánh địa” của cánh xe ôm. Ngoài vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường khi rồng rắn đậu trên lòng đường, vỉa hè; tình trạng hoạt động “bất biết” luật lệ đang là những nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng lộn xộn và ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi, Hà Đông. Tình trạng này đang ngày diễn ra một trầm trọng hơn, đặc biệt là vào các tháng cuối năm.

 

Trước Nhà hát lớn, một nhóm du khách người Nhật đang loay hoay quay phim, chụp ảnh thì từ bốn phía đám hàng rong, xe ôm, ăn xin ùa tới. Nhóm du khách lúc đầu còn nhã nhặn từ chối nhưng sau đó thì xua tay rối rít và nhăn nhó tìm cách thoát thân nhưng đám người kia vẫn không tha. Du khách bỏ đi, một số xe ôm còn kiên trì bám theo, khi thấy không “ăn” được, họ mới chịu dừng lại và… chửi đổng.

 

... và “chém đẹp”

 

Trước cổng Bệnh viên Ung bướu TƯ có tới hàng chục xe ôm đứng ngồi vạ vật chờ khách. Quay xuống Bệnh viện Phụ sản TƯ, một địa điểm vốn nổi tiếng về tình trạng xe ôm “bắt chẹt” khách, cũng thấy những dãy dài các xe ôm chực chờ. Tại đây thường xuyên có lực lượng giữ trật tự nhắc nhở những xe ôm đậu xe tràn lan dưới lòng đường, gây cản trở giao thông nhưng chỉ cần hơi xao nhãng là lập tức có hàng chục xe ôm đổ xô vào những người đi từ trong viện ra. Ngay góc cổng phụ của bệnh viện, một đôi nam nữ đi như chạy để thoát khỏi vòng vây của 4,5 xe ôm. Cạnh đó, một phụ nữ chừng 45-50 tuổi nói như hét: “Đi từ đây về Kim Mã mà lấy những 30 nghìn! Tưởng “đây” lạ nước lạ cái mà bắt chẹt à?”.

 

Đội quân xe ôm rất biết tranh thủ “chém đẹp” những vị khách ngu ngơ, có vẻ "gà mờ". Đoạn đường từ bến xe Mỹ Đình đến ký túc xá trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội không quá 4 km mà chiếc xe ôm chở bà Tâm từ Thanh Hoá lên thăm con gái đang học ở đây phải đi mất hơn 30 phút mới tới nơi! Không phải bác tài chạy cẩn thận hay lạc đường. Đó là chiến thuật “vòng xoay” hòng moi tiền khách cho những đoạn đường không có trong lộ trình. Và nạn nhân dù biết hay không vẫn phải cắn răng mà trả tiền với giá cắt cổ.

 

Nhiều "công dân xe ôm" thường nhiệt tình giúp đỡ người đi lạc, người bị nạn,... để kiếm chút tiền. Tất nhiên không phải ai trong số họ cũng làm việc tốt vì vụ lợi song quả thật, “thượng đế” nên cảnh giác với lòng tốt bất ngờ.

 

Không thể phủ nhận tính tiện ích và thuận lợi của xe ôm trong giao thông. Những người dân lao động ấy, họ kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình. Nhưng một bộ phận không nhỏ trong số họ cũng đang làm xấu đi hình ảnh của giới xe ôm khi vì đồng tiền bát gạo mà sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để moi tiền khách. Thực trạng không hay này sẽ không thể trở thành chuyện cũ nếu cơ quan chức năng không sớm có những biện pháp mạnh tay hơn nữa.

 

Phúc Hưng