1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xe “nhốt” khách: Phải xử lý hình sự!

22 hành khách bị nhốt trong khoang chở hàng ở gầm xe, 7 người khác bị buộc dây nằm trên mui xe rồi phủ bạt lên là hai vụ vi phạm cho thấy tính mạng hành khách đang bị coi rẻ. Vậy mà rốt cuộc, phương tiện vi phạm chỉ bị phạt 1 triệu đồng và bấm lỗ giấy phép lái xe.

Ngoài những vướng mắc về quy định, chế tài trong các giải pháp chấm dứt hiện tượng nhốt khách, trói khách còn bắt nguồn từ những địa chỉ trách nhiệm nào nữa? Phóng viên đã trò chuyện các cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, vận tải khách bằng ô tô vào dịp cao điểm vẫn bát nháo, nhưng có bao giờ nhà xe coi rẻ tính mạng hành khách như những gì vừa xảy ra không?

Ông Phạm Công Hà, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Vận tải đường bộ lâu nay vẫn bát nháo nhưng những vụ như thế này thì bây giờ mới “chộp” được. Hành vi này rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng của hành khách. Chưa cần nói đến tai nạn giao thông, chỉ riêng va quẹt cũng đủ làm khách ở trên nóc xe có thể bị thương tích nghiêm trọng. Nằm dưới gầm xe thì có khả năng nhiễm khí độc, hơi gas hay bị ngạt khi xe đi qua chỗ ngập nước.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN: Tôi cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng, mang tính cá biệt chứ không phổ biến. Có điều, mức độ vi phạm rất nghiêm trọng.

Có phải vì mức độ xử phạt lỗi vi phạm trong vận chuyển hành khách bằng ô tô nhẹ quá nên bản thân nó không có tính răn đe, nhà xe vì hám lời mà bất chấp mọi hiểm nguy?

Ông Hà: Trước tiên, phải nói đến nguyên nhân vi phạm. Lỗi do cả hai phía, khách mà không tự nguyện thì nhà xe khó mà ép được nhưng dù thế nào, vẫn phải xử nặng nhà xe. Đúng là các hình thức xử phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ tính răn đe.

Ông Quyền: Chế tài đã quy định rõ trong Nghị định 125 của Chính phủ mới ban hành. So với Nghị định 15 về xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ trước đây thì mức độ có nặng hơn.

Nguyên nhân vi phạm, về phía doanh nghiệp, là chưa coi trọng chất lượng phục vụ hành khách. Nhưng tôi muốn nói rằng sự tùy tiện trong đi lại của hành khách cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm này. Hiện nay, rất nhiều người không có thói quen vào bến đi xe, chờ đón xe dọc đường. Như thế là không có ý thức bảo vệ tính mạng của chính mình.

Để xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm thuộc về ai và xử lý như thế nào?

Ông Hà: Trước đây, chúng ta không kiểm tra nhiều, không nghiêm khắc, gần đây làm gắt gao hơn nhưng nhà xe lại vi phạm trắng trợn hơn, tinh vi hơn để đối phó. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải bổ sung hành vi vi phạm và chế tài xử phạt vào các văn bản pháp luật liên quan về an toàn giao thông. Theo tôi, các hành động coi rẻ tính mạng con người phải được xử theo khung hình sự.

Ông Quyền: Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo Sở GTVT Quảng Ngãi đình chỉ công tác đối với tài xế chuyến xe và tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh trên tuyến cố định đối với doanh nghiệp vi phạm. Không phải chỉ một trường hợp này mà cục đã có yêu cầu tương tự đối với Sở GTVT 7 tỉnh có xe vi phạm trong dịp Tết là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Thái Bình, Quảng Ngãi, Hải Phòng và Hải Dương kiểm tra, xử lý và báo cáo lại.

Đây là các trường hợp chở quá tải, đưa khách vào quán “cơm tù” như báo chí nêu. Theo phân cấp, doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Xe chạy trên đường do CSGT kiểm tra, giám sát.

Theo Tô Hà
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm