1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Xe ma" - những hiểm họa khó lường

Nhiều "xe ma" sau khi bị truy bắt ráo riết tại TPHCM đã chuyển địa bàn hoạt động ra các tỉnh kế cận: Bình Dương, Đồng Nai chở học sinh, công nhân.

Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (thuộc Bộ Công An) vừa tổng kết đợt 1 chiến dịch truy bắt xe tải, xe khách hết hạn sử dụng trên các tuyến QL ngang qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. 

 

Theo báo cáo, CSGT Đồng Nai và TPHCM đã lập biên bản 159 trường hợp vi phạm; tạm giữ 64 ô tô. Trong đó có: 21 xe hết niên hạn (theo Nghị định 92/CP và Nghị định 23/CP); 12 xe sử dụng sổ kiểm định (SKĐ) và tem giả; 10 xe gian lận thương mại; 21 xe hết hạn kiểm định (sử dụng sổ, giấy chứng nhận và tem kiểm định giả). Hầu hết các trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe (GPLX) và bấm lỗ vi phạm trên GPLX. Tổng số tiền xử phạt khoảng 362 triệu đồng.

 

Đặc biệt, qua đợt kiểm tra này, nổi lên hiện tượng đáng báo động: “Xe ma (tức xe sử dụng giấy chứng nhận và tem đăng kiểm giả) đón rước học sinh, công nhân dưới hình thức xe buýt, xe chạy hợp đồng. Nhiều công nhân, học sinh vẫn "vô tư" (hay không còn cách nào khác?) ngồi trên những chiếc xe này đến nỗi một CSGT nhận định: "Những xe này còn chở người có ngày sẽ biến người thành ma".

 

Theo nhật ký của anh Bùi Thanh Bình - Cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN), người tham gia trực tiếp trong đợt truy quét quy mô lớn này: Vào lúc 7h30, ngày 10/4, CSGT Đồng Nai bất ngờ kiểm tra xe khách biển số 53N-1477 đang lưu thông trên Quốc lộ 1A (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai). Khi bị chặn lại, trên xe có gần 100 học sinh trường Sông Ray. Xe khách trên đã hết hạn sử dụng theo Nghị định 92/CP; giấy chứng nhận (GCN) và tem kiểm định (TKĐ) xe bị làm giả.

 

Ngày 12/4, gần một địa điểm tại ngã ba Nhơn Trạch (Đồng Nai) đoàn kiểm tra lại phát hiện thêm xe khách hết hạn sử dụng mang biển số 53N-1491 đang chở công nhân của Công ty H.S Vina. Qua kiểm tra cho thấy, xe này đã sử dụng GCN và tem KĐG giả hòng qua mặt các cơ quan chức năng. 

 

Cũng tại khu vực này, xe khách hiệu Hino, loại 54 chỗ ngồi, biển số 53N-0807 đang chở 100 công nhân đã bị chặn lại. Khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ xe liên quan, tài đưa ra giấy chứng nhận kiểm định do trạm  5004V cấp. Cảm thấy nghi ngờ, cán bộ đăng kiểm đã xác minh và phát hiện giấy chứng nhận kiểm định được làm giả. 

 

Điều đặc biệt, hầu hết các xe trên đều mang biển số TPHCM. Một cán bộ CSGT nhận định: “Có lẽ do bị truy quét gắt gao ở TPHCM, xe ma, xe hết hạn sử dụng đã tuồn ra các tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bình Dương để dễ bề hoạt động. Chừng nào những chiếc xe này còn lét lút lưu thông trên đường, những tai nạn thương tâm sẽ tiếp tục xảy ra”.  

 

Được biết, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ danh sách xe khách hết “đát” (theo Nghị định 92/CP và 23/CP) đã được thông báo rộng rãi đến các Sở GTCC, Sở GTVT và lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố để thuận tiện trong việc giám sát, xử lý. Tuy nhiên, việc phối hợp xử lý xe khách hết “đát” giữa các cơ quan chức năng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

 

Thanh tra GTCC và CSGT là hai lực lượng có quyền thế kiểm tra, xử phạt xe hết “đát”, song muốn xác minh phải nhờ đến cơ quan đăng kiểm. Hiện chỉ có Công an TPHCM đưa ra những biện pháp chế tài cứng rắn đối với xe hết “đát” như: Không tiếp nhận đăng ký sang tên; tạm giữ phương tiện, thu hồi giấy tờ và biển số xe. Còn hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều lúng túng trong việc xử lý. Phải chăng đây  là điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân vẫn cho lưu hành xe hết hạn sử dụng, xe ma bất chấp tính mạng của nhiều người dân(?!).

 

Theo Vietnamnet