1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xe đạp thay ô tô, xe máy: Chỉ là cách nhìn thiển cận!

(Dân trí) - Trước đề xuất đi xe đạp để giảm ùn tắc giao thông của Sở Công thương Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng đó là cách nhìn thiển cận vì loại xe thô sơ này chỉ phù hợp đi loanh quanh trong khu vực nhỏ, không phù hợp với xã hội phát triển.

Theo Sở Công thương Hà Nội, mua ô tô, xe máy để đi lại là nhu cầu tất yếu của mỗi người nhưng sự phát triển quá nhanh của các phương tiện này là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị. Vì vậy, sở này cho rằng việc xây dựng đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, quy hoạch giao thông còn chưa hoàn chỉnh.

Xe đạp không đáp ứng được nhu cầu đi lại ở xã hội hiện nay
Xe đạp không đáp ứng được nhu cầu đi lại ở xã hội hiện nay

Trước đề xuất trên, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT) Doãn Minh Tâm cho rằng, đây là ý tưởng tốt nhưng cách nghĩ đó còn quá thô sơ, đơn giản. “Đó là cách nhìn thiển cận. Xe đạp làm sao đáp ứng được ở một xã hội phát triển như hiện nay!” - ông Tâm nhìn nhận.

Ông Tâm giả định, nếu xe đạp thay thế ô tô, xe máy thì xây đường cao tốc cho ai đi và xã hội rất chậm chạp vì nó không hợp quy luật. Theo ông Tâm, kể cả phương án hạn chế xe ô tô cũng không phù hợp với xã hội phát triển.

“Tại sao xã hội phát triển đòi hỏi phải có đường cao tốc và vận chuyển nhanh vì nó phù hợp với quy luật của cuộc sống. Theo tôi xe thô sơ chỉ đáp ứng cho nhu cầu đi lại ở một khu phố. Nếu lấy nó áp đặt ra toàn xã hội thì hoàn toàn không phù hợp với quy luật phát triển”, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải nói.
 
Xe đạp thay ô tô, xe máy: Chỉ là cách nhìn thiển cận!

Kết quả bình chọn trên Dân trí cho thấy, 55% độc giả không đồng tình với đề xuất sử dụng xe đạp thay thế các phương tiện cơ giới

Theo ông Tâm, chắc chắn người làm lãnh đạo cũng nhận định đề xuất dùng xe đạp để hạn chế ùn tắc giao thông ở Hà Nội là không hợp lý. Những đề xuất đó ông Tâm cũng cho rằng chỉ ở góc độ tham khảo.

Đánh giá về đề xuất của Sở Công thương, không ít chuyên gia lo ngại tai nạn giao thông gia tăng vì đường phố Hà Nội không phù hợp với việc lưu thông quá nhiều xe đạp. PGS. TS Bùi Xuân Cậy - Chủ nhiệm khoa Công trình Đại học GTVT - cho rằng, xe đạp vận tốc thấp nên nếu dùng thay thế cho xe máy, ô tô là không hợp lý. “Hà Nội không có đường dành riêng, giờ để hàng loạt xe đạp chạy chung với đường ô tô, xe máy thì tai nạn sẽ tăng lên”, PGS. TS Bùi Xuân Cậy lo ngại.

Tốc độ xe đạp chậm nên nhiều người cũng cho rằng nếu lưu thông nhiều trên đường sẽ cản dòng phương tiện khác, gây tắc đường nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm. Điều này khiến một số người nhận định là đi ngược lại quy luật phát triển kinh tế - xã hội. “Xe đạp chiếm ít diện tích lòng đường nhưng lại đi rất chậm, điều này dẫn đến mật độ xe đạp lưu thông trên đường vào giờ tan tầm rất cao, rất dễ dẫn đến tắc đường”, một chuyên gia nhận định.

Cũng không thể phủ nhận lợi ích mà xe đạp đem lại như không tốn nhiên liệu, tránh ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe con người… Do vậy, một số chuyên gia cho rằng chỉ nên khuyến khích một số đối tượng sử dụng xe đạp, đặc biệt là học sinh.

Trúc Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm