Xe cẩu "chạy mệt nghỉ" đưa tàu thuyền lên bờ tránh áp thấp nhiệt đới
(Dân trí) - Ngày 25/9, áp thấp nhiệt đới đang tiến gần đất liền các tỉnh miền Trung. Ngư dân Đà Nẵng chủ động di chuyển tàu, thuyền lên bờ để tránh hư hại về tài sản.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu vực ven biển Sơn Trà (Đà Nẵng), trưa 25/9, nhiều ngư dân thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền lên bờ, chằng chống cố định cẩn thận dọc tuyến đường Hoàng Sa để đối phó với áp thấp nhiệt đới.
Dưới trời mưa rả rích, các xe cẩu nối đuôi nhau liên tục chở tàu, thuyền từ biển vào đất liền. Một số ngư dân cũng đưa các ngư lưới cụ của mình vào bờ, tránh bị sóng cuốn.
Một ngư dân ở phường Thọ Quang (Sơn Trà) cho biết, nghe thông báo áp thấp nhiệt đới đang tiến sát Đà Nẵng, người này liền thuê dịch vụ xe cẩu để đưa tàu, thuyền lên bờ tránh áp thấp nhiệt đới.
Giá trung bình mỗi chuyến cẩu khoảng 300.000-400.000 đồng.
Ngư dân Trần Văn Tới (trú quận Sơn Trà) cho hay, chiều nay 25/9, tranh thủ trời chưa mưa lớn, các ngư dân đưa tàu lên bờ, dùng dây buộc để chằng chống, tránh gió lớn.
Ông Nguyễn Văn Luận (61 tuổi) cho biết, ông đã chi 300.000 đồng để thuê xe cẩu đưa thuyền lên bờ. Mặc dù chỉ là áp thấp nhiệt đới nhưng tàu, thuyền là cơ nghiệp nên ông phải đưa lên bờ, tránh hư hại tài sản.
Tại Thanh Hóa, theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn địa phương, trên vùng biển Thanh Hóa có gió cấp 5, biển động, sóng biển cao 0,5-1,5m. Vùng biển ngoài khơi gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 1,5m đến 2,5m. Toàn bộ tàu thuyền và hoạt động khác tại các vùng biển đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.
Tại một số địa bàn huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu vực biển Sầm Sơn xảy ra mưa lớn. Dọc khu vực bờ biển xuất hiện sóng to.
Tại Nghệ An, trong 10 giờ qua (từ 5h đến 15h ngày 25/9), địa bàn có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được tại các trạm đo mưa tự động như Chợ Tràng (huyện Hưng Nguyên) là 61,8mm, tại huyện Quỳnh Lưu là 22,2mm…
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi của Nghệ An như Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn mưa lớn xuất hiện với cường độ cao, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Do mưa lớn, nhiều tuyến đường trên địa bàn bị ngập, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong ngày 25/9, tại nhiều nơi ở địa phương này đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến 120-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các địa phương hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố.
Khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Lốc xoáy cuốn bay hàng chục mái nhà ở Thừa Thiên Huế
Chiều 25/9, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xác nhận, khoảng 8h30 sáng cùng ngày, một trận lốc xoáy khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hại.
Theo thống kê, toàn xã có 37 ngôi nhà bị ảnh hưởng, tốc mái. Chính quyền địa phương cử lực lượng phối hợp người dân khắc phục hậu quả.
Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP Huế), cho biết, trận lốc xoáy vào sáng 25/9 cũng khiến 35 ngôi nhà thuộc tổ dân phố Hải Tiến bị tốc mái; trong đó 3 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn và 3 người bị thương nhẹ.
Địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng, Bộ đội biên phòng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 13h ngày 25/9 cách Đà Nẵng 148km về phía đông đông nam, cách Quảng Ngãi 90km về phía tây tây nam. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (39-49km/h), giật cấp 8.
Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 15km/h.