1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

“Xe bị cấm” vô tư qua cầu Thăng Long

(Dân trí) - Bằng nhiều hình thức “lách”, xe khách các loại, xe trọng tải lớn vẫn công khai “qua mặt” hàng loạt cán bộ thanh tra và cảnh sát giao thông các chốt để qua cầu Thăng Long trong những khung giờ cấm!

“Ung dung” qua cầu Thăng Long
 
Quy định cấm xe để sửa chữa cầu Thăng Long được ban hành và chính thức thực hiện từ ngày 23/10/2009 đến 30/1/2010. Theo đó, tất cả các xe có tổng trọng tải từ 0,5 tấn trở lên sẽ không được phép qua cầu từ 5h sáng đến 22h đêm hàng ngày.
 
“Xe bị cấm” vô tư qua cầu Thăng Long - 1
Quy định cấm qua cầu Thăng Long.
 
Hơn 1 tháng cấm cầu, mặc dù có hàng trăm cán bộ thanh của Sở GTVT Hà Nội, Cục Đường bộ Việt Nam và Cảnh sát giao thông túc trực ở các chốt nhưng xe quá tải vẫn “ung dung” qua cầu Thăng Long vào những múi giờ từ 7 - 9h sáng và 17h - 19h30 tối.
 
Nhiều lần mục sở thị và bám theo xe khách, PV Dân trí đã chứng kiến và ghi nhận những “chiêu thức”, “thủ tục” mà xe khách, xe tải thực hiện để qua cầu.
 
Tại điểm chốt phía Nam cầu Thăng Long, buổi tối các xe khách mang biển 19, 22, 20, 14 đi lên từ đường Phạm Văn Đồng thường “nép” vào lề hoặc “núp” bên trong khu đô thị Nam Thăng Long để chờ các lơ xe “tâm sự” chớp nhoáng với lực lượng thanh tra giao thông rồi tài xế mới đánh xe lên bắt đầu hành trình vượt cầu Thăng Long.
 
Còn ở đầu cầu Bắc, do thời điểm vào trung tâm Hà Nội là ban ngày nên từ cao tốc Nội Bài, hàng loạt xe ca, xe khách Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang… rủ nhau tập kết ở đường dưới chân cầu để thực hiện các chiêu thức “ngụy trang” như: bóc chữ in lộ trình, che biển số, dán mác xe hợp đồng, xe đưa đón công nhân viên bằng 2 chữ song hỷ của đám cưới… sau đó các xe “yên chí” lần lượt qua cầu Thăng Long.
 
“Xe bị cấm” vô tư qua cầu Thăng Long - 2
Nhà xe bóc bỏ dòng chữ in lộ trình để “ngụy trang” khi qua cầu (ảnh chụp sáng 23/11).
 
Trên thực tế, từ khi cấm xe để sửa chữa cầu Thăng Long, theo phân luồng những xe có trọng tải trên 0,5 tấn buộc phải lưu thông theo đường vành đai, cầu mới... Ước tính, so với qua cầu Thăng Long thì quãng đường các xe phải đi xa hơn từ 40 - 50km. Rõ ràng khi thực hiện quy định này cả nhà xe và hành khách phải “nướng” thêm thời gian và 1 khoản chi phí không nhỏ cho lộ trình của mình.
 
Cơ quan chức năng thừa nhận
 
Trước thực trạng trên, sáng 25/11 PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Mạnh (Phó Chánh Thanh tra, Sở GTVT Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
 
Trả lời về việc các xe quá tải “ung dung” qua cầu Thăng Long vào những khung giờ cấm, ông Mạnh thừa nhận: “Tôi đã trực tiếp thị sát và thừa nhận có thực trạng xe quá tải qua cầu Thăng Long”.
 
“Thông tin xe quá tải qua cầu Thăng Long đã đến tai tôi, tôi đã trực tiếp thị sát trên cầu và đã thử đi trên 1 chiếc xe hợp đồng 45 chỗ từ cao tốc Nội Bài vào trung tâm TP Hà Nội, chưa rõ bằng cách nào nhưng chiếc xe này đã qua cầu Thăng Long mà không gặp bất cứ trở ngại gì” - ông Mạnh cho biết.
 
“Xe bị cấm” vô tư qua cầu Thăng Long - 3
Xe khách liên tỉnh quá tải trọng vượt qua các chốt của thanh tra giao thông để lên cầu Thăng Long (ảnh chụp tối 21/11).
 
Cũng theo ông Mạnh: “Việc giám sát và phân luồng trên cầu Thăng Long trong giai đoạn hiện nay có nhiều lực lượng tham gia, như: Thanh tra giao thông TP Hà Nội (ở phía Nam cầu), thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam (ở phía Bắc cầu), Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, Công an huyện Đông Anh, lực lượng trật tự… vì vậy sự quản lý và nhất quán trong công tác là rất khó thực hiện”.
 
Về việc xử lý những cán bộ có liên quan đến sự việc này, ông Mạnh khẳng định: “Ai làm sai, ai vi phạm chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định”.
 
Châu Như Quỳnh