Xảy ra tệ nạn lớn, cách chức Chủ tịch quận?!
"Ở đâu để xảy ra vụ việc, tệ nạn xã hội nghiêm trọng thì phải cách chức bí thư, Chủ tịch, kể cả Chủ tịch UBND quận". Đó là ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch mặt trận tổ quốc (MTTQ) TPHCM, về quản lý ngành nghề "nhạy cảm".
Thưa ông, đánh thuế thật cao các ngành nghề "nhạy cảm" có phải là biện pháp hay, nhằm hạn chế số điểm kinh doanh?
Hát karaoke, khiêu vũ là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Nếu giải quyết tốt thì không có vấn đề gì. Tôi nghĩ, có tình trạng tệ nạn núp bóng dịch vụ giải trí, như một loạt vụ bị phát hiện vừa qua, trước hết là do quản lý yếu kém của nhà nước. Không nên từ chỗ phát hiện nhiều vụ việc lại đặt vấn đề dẹp, hoặc là hạn chế đến mức người dân cho rằng có sự bất lực trong quản lý.
Thưa ông, ông vừa đề cập sự quản lý yếu kém trong quản lý dịch vụ "nhạy cảm", vậy, có phải lâu nay trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có liên quan không được đề cập rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của hệ thống chính trị phường xã - quản lý trực tiếp?
Đúng thế. Việc quan trọng bây giờ là tăng cường trách nhiệm của cơ sở, cũng như trách nhiệm các cấp, kiên quyết trong việc xử lý những vụ vi phạm. Phát hiện điểm nào không thực hiện đúng quy định thì phải rút giấy phép, hoặc có biện pháp nghiêm trị.
Nhưng ở cấp phường được xem là hay có hiện tượng nể nang, ảnh hưởng không tốt đến sự nghiêm minh trong xử lý sai phạm. Theo ông, phải khắc phục tình trạng này như thế nào?
Hệ thống chính trị của phường phải tăng cường học tập. Cấp ủy Đảng cơ sở rất quan trọng, phải cương quyết chỉ đạo các bộ phận trong hệ thống chính trị chống lại tiêu cực trong lĩnh vực trên. Ở đâu cấp ủy Đảng không kiên quyết làm thì gần như tê liệt, bởi vì công an hay MTTQ cũng chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. MTTQ có phát hiện thì chỉ đề nghị thôi, vì người nắm quyền là bí thư và chủ tịch.
Cách làm tốt nhất là phải xác định trách nhiệm. Ở đâu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng thì phải cách chức bí thư, chủ tịch, kể cả chủ tịch UBND quận. Cứ như vừa qua là thất bại.
Ông nghĩ sao về giải pháp tập trung hết các điểm kinh doanh ngành nghề "nhạy cảm" vào một nơi, để dễ quản lý?
Đây là ý kiến đáng suy nghĩ. Ở nhiều nước, các khu vui chơi được tập trung vào một điểm để thuận lợi trong quản lý. Nhưng để tiến đến hình thức này thì phải nghiên cứu thật kỹ càng, vì dịch vụ "nhạy cảm" đã rải ra các khu dân cư.
Vừa rồi, lấy tín nhiệm hai chức danh: chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND, nhiều địa phương đạt tín nhiệm 100%. Nhưng, thực tế, tại các địa phường vẫn có tệ nạn xã hội núp bóng dịch vụ giải trí. Ông suy nghĩ thế nào về mâu thuẫn này?
Đúng là dưới cơ sở vẫn nể nang nhau, thành ra đôi lúc việc bỏ phiếu không thể hiện một cách chính xác tình hình. Có những nơi xảy ra nhiều vụ việc nhưng hệ thống chính trị không dám đấu tranh, không thể hiện cái quyền của mình, thì phiếu tín nhiệm sẽ lệch với bản chất vấn đề.
Hơn nữa, việc bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay mới làm thí điểm, cuối năm nay thì làm đại trà.
Riêng MTTQ TP sắp tới sẽ có lớp tập huấn để xác định nhiệm vụ rất quan trọng của mình, phải kiên quyết làm để việc bỏ phiếu tín nhiệm có tác động tích cực đến tinh thần trách nhiệm của chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND phường.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamnet