1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây nhà máy điện nguyên tử cần “dè chừng” sóng thần

(Dân trí) - Có thể xảy ra động đất và sóng thần tại Việt Nam nhưng hệ thống cảnh báo ở nước ta chỉ ở mức trung bình so với thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử phải lưu ý đặc biệt về khả năng tác động của sóng thần.

Ngày 29/3, tại Viện Địa chất thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Kiến tạo Việt Nam và Hội Khoa học và Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản và những kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho biết, hiện Việt Nam đã là thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên hệ thống và các phương tiện cảnh báo của chúng ta mới phát hiện được động đất và sóng thần sau 5 phút, ở mức trung bình. Trong khi ở một số nước như Indonesia chỉ sau 1 phút đã phát hiện được động đất, sóng thần khi nó xảy ra.

Xây nhà máy điện nguyên tử cần “dè chừng” sóng thần - 1
TS Nguyễn Hồng Phương trinh bày về khả năng động đất và sóng thần tại Việt Nam (ảnh: TT)

Cũng theo ông Phương có 9 vùng nguồn có tiềm năng gây động đất, sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó vùng biển Philippines có nguy cơ cao nhất gây ra sóng thần đến nước ta. Nếu động đất mạnh xảy ra ở vùng này thì sau 2 tiếng sẽ đến Việt Nam.

Theo GS. TS Bùi Công Quế, nếu sóng thần xảy ra do động đất ở đới cuốn chìm Malina, miền Trung sẽ có sóng cao 5 - 6m, Bắc Bộ cao 2m, miền Nam cao 2m. Nếu có động đất gây ra sóng thần bởi đới đứt gãy dọc kinh tuyến 110, 15 phút sau sóng thần sẽ có thể ập vào ven biển miền Trung. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trên thế giới chưa có nước nào dự đoán được chính xác vị trí xảy ra động đất, sóng thần.

“Hiện hệ thống mạng lưới đo đạc để cung cấp số liệu vẫn chưa được xây dựng đầy đủ. Ví dụ những đứt gãy ở sông Hồng thì có những đoạn chúng ta có trạm đo, có những đoạn không có. Hầu hết các trạm đo xa lắp đặt từ năm 1994 với sự hợp tác của Pháp. Cùng đó, quy trình báo tin động đất, sóng thần của Việt Nam quá lạc hậu so với thế giới” - ông Phương lo ngại.

Từ trận động đất dữ dội vừa xảy ra tại Nhật Bản, PGS. TS. Phan Trọng Trịnh, Phòng Địa Động lực, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam cho rằng, cần phải xem xét đánh giá lại độ lớn của động đất có thể xảy ra ở Manila (Philippines) với khoảng thời gian lan truyền tới bờ biển Việt Nam là sau 2 giờ. Vùng chịu tác động mạnh nhất của sóng thần là Đà Nẵng kéo tới Ninh Thuận, đáng chú ý những vùng thấp thuộc Quảng Ngãi, Đà Nẵng…

“Theo tính toán của các nhà khoa học, động đất gây sóng thần ở đới cuốn chìm Malina có thể đạt tới 8.7 độ Richter hoặc cao hơn. Vì thế các nhà máy hạt nhân xây dựng phải được tính toán kỹ lưỡng cho hàng nghìn năm. Chúng tôi kiến nghị: khi xây dựng nhà máy điện nguyên tử phải hết sức chú ý khả năng tác động của sóng thần vì công trình này dự kiến xây dựng gần bờ” - ông Trịnh nói.

“Sở dĩ Nhật Bản hạn chế được thiệt hại do động đất, sóng thần là nhờ sự liên kết của hơn 1.000 máy đo địa chấn trên toàn nước Nhật, đã xác định nhanh chóng vị trí, độ lớn động đất từ đó phát tín hiệu báo động lên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, truyền hình, điện thoại di động...). Vùng Tokyo đã được báo trước 80 giây khi động đất xảy ra, giúp cứu nhiều tính mạng người dân. Hệ thống báo động sóng thần cũng hoạt động tốt, đã cảnh báo trước từ 15 phút ở bờ biển gần tâm chấn nhất và trước 40 phút ở vùng Tokyo” - ông Trịnh nhìn nhận.

Theo PGS. TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, tuy trong những năm vừa qua, Việt Nam chưa xảy ra động đất mạnh những đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Vì thế cần có những chương trình nghiên cứu kỹ hơn về khả năng xảy ra động đất tại miền Bắc và sóng thần ven biển miền Trung.
 

Viện Vật lý địa cầu vừa trình đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam 2009 - 2013”. Mục tiêu của Dự án là mở rộng mạng lưới trạm quan trắc động đất ra toàn lãnh thổ và hải đảo của Việt Nam, tăng số lượng trạm địa chấn từ 24 trạm hiện nay lên hơn 30 trạm.

P. Thanh