1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Xây dựng tuyến xe buýt nhanh đầu tiên

(Dân trí) - UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho Sở Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên dài hơn 12km.

Xây dựng tuyến xe buýt nhanh đầu tiên - 1
Dự kiến tuyến BRT sẽ được xây dựng trên đại lộ Võ Văn Kiệt

Xe buýt nhanh (BRT) là hình thức sử dụng xe khách loại lớn (80 chỗ) chạy trên các làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo không ùn tắc, tuân thủ đúng thời gian hành trình và vận tải hành khách số lượng lớn.

Dự kiến lộ trình tuyến BRT này sẽ chạy dọc theo tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông Tây). Đây là lộ trình chính của tuyến xe điện mặt đất số 1 (tramway 1) đã được nghiên cứu đầu tư từ năm 2008.

Dự án xây dựng tramway 1 được UBND TPHCM giao cho liên danh Công ty TNHH thương mại và sản xuất Thanh Danh và Công ty Titanium Management của Malaysia đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao).

Tháng 4/2010, liên danh này xây dựng phương án tài chính cho dự án với tổng mức đầu tư lên đến 222 triệu Euro. Trong đó, nhà đầu tư yêu cầu TP phải bù giá cho họ hơn 10.000 tỷ đồng trong 15 năm khai thác đầu tiên (số tiền trợ giá này còn lớn hơn tiền trợ giá cho 120 tuyến xe buýt đang hoạt động tại TPHCM).

Trước những con số đầu tư quá lớn và đòi hỏi ưu đãi vô lý trên, TP đã quyết định cho nghiên cứu dự án BRT trên lộ trình này để thay thế dự án tramway 1.

Theo thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT) thì BRT là giải pháp khả thi nhất để giải quyết vấn nạn ùn tắc tại TPHCM. Thứ nhất vì tính hiệu quả (vận chuyển khối lượng lớn, thời gian nhanh), thứ hai là chi phí đầu tư thấp (chi phí đầu tư cho BRT là 1 – 2 triệu USD/km, cho tramway là 20 triệu USD/km, cho metro là 100 triệu USD/km).

Ngoài ra theo ông thì dù đa phần đường của TP đều chật hẹp nhưng vẫn có khoảng 10% số đường có 6 làn xe trở lên. Đây là loại đường có thể tổ chức cho hệ thống BRT hoạt động.

Tùng Nguyên