Xây dựng Thừa Thiên-Huế thành TP trực thuộc Trung ương
(Dân trí) - Ngày 15/5, Bộ chính trị đã có buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế và cơ bản đồng tình với phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự buổi làm việc có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: Thừa Thiên - Huế là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Bộ Chính trị cơ bản đồng tình với những phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên-Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây.
Bộ Chính trị yêu cầu tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới như gắn xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đầu tư phát triển mạnh du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Huế là trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước.
Bộ cũng yêu cầu Thừa Thiên - Huế quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, chăm lo xóa đói giảm nghèo. Bộ Chính trị nhấn mạnh, tỉnh cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ.
Bộ Chính trị đồng ý thành phố Huế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính và ngân sách, đầu tư; đồng thời bố trí các nguồn vốn để phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế nhằm tạo đột phá để phát triển dịch vụ, du lịch.