Xây dựng thế hệ nông dân thông minh của thời chuyển đổi số
(Dân trí) - Giải quyết được vấn đề nông dân là giải quyết được các vấn đề khác của đất nước; Giải quyết được những "câu chuyện" của người nông dân thì sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, dời non lấp biển.
Sau gần 14 năm thực hiện Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành TW Đảng khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn, chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng ấn tượng và rất đáng tự hào, làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn.
Tuy nhiên vẫn còn đó không ít khó khăn, những điều bất cập và trăn trở mà "tam nông" đang phải đối mặt; cũng đã nảy sinh thêm nhiều vướng mắc và những hạn chế, yếu kém cần phải được tiếp tục tháo gỡ và nỗ lực vượt qua.
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, chính sách về Tam nông thực ra là chính sách Nhất nông, chính sách và thái độ của chúng ta đối với người nông dân; nói về tam nông nhưng về bản chất và trên thực tế chỉ có một vấn đề, đó là những "câu chuyện" của người nông dân, về người nông dân, những người có sinh kế chủ yếu bằng nghề nông và môi trường sống là nông thôn.
Giải quyết được vấn đề nông dân là giải quyết được các vấn đề khác của đất nước; Giải quyết được những "câu chuyện" của người nông dân thì sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, dời non lấp biển.
Tam nông là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp
Thưa GS, "tam nông" là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, nên bất kỳ chính sách hay chủ trương, đường lối nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải là chính sách vì người nông dân, từ người nông dân, ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?
- Để có một chính sách đúng, hợp lòng dân, một trong những cách tốt nhất là "hỏi" nông dân.
Nghị quyết 26 đã hướng trọng tâm vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, cũng như đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào GDP quốc gia, lấy đất đai và tự do hóa thị trường làm động lực, giải phóng sức sản xuất của đất. Nhưng hình như Nghị quyết còn chưa quan tâm đầy đủ, toàn diện và đúng mức về người nông dân.
Chính sách đầu tư công đã thể hiện điều đó, các câu chuyện buồn xung quanh việc cưỡng chế, thu hồi đất đai khi nhà đầu tư, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, trong giải phóng mặt bằng để mở các khu công nghiệp, các khu đô thị, các sân golf; việc giãn dân xây dựng các công trình thủy điện nhưng người dân mất rừng mất ruộng sống ngay dưới chân cột điện cao thế của nhà máy thủy điện vẫn tù mù dở sáng tối với chiếc đèn dầu... đã nói lên điều đó.
Hình như là nông dân chưa được là chủ thể, chưa được làm chủ. Đó là điểm căn cốt nhất cần phải thay đổi trong Nghị quyết Tam nông mới. Và khi đó, Nghị quyết sẽ sớm được hiện thực hóa thành sức mạnh vật chất trên đồng ruộng, trong làng mạc và trong từng ngôi nhà của người nông dân.
Theo GS, mục tiêu chung của chính sách "tam nông", suy cho cùng là gì?
- Theo tôi, cần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân mới chuyên nghiệp, làm nông là một nghề có tri thức, để họ có thể tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quá trình phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tự hào và hãnh diện với nghề nghiệp của họ.
Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đó là nền nông nghiệp có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế-xã hội cao và bền vững.
Xây dựng nông thôn hiện đại, đó là nông thôn mang hơi thở của thời đại, văn minh, tiện nghi và hiện đại, tạo ra cơ hội cho một đứa trẻ sinh ra ở nông thôn cũng không khác gì cơ hội của một đứa trẻ sinh ra ở thành phố; nhưng vẫn là nông thôn Việt Nam, mang đậm văn hóa của cộng đồng mình, của dân tộc mình, của đất nước mình.
Để được như vậy, thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn, trong tăng trưởng phải chú ý đến tiến bộ xã hội, chú trọng đến vấn đề công bằng trong phát triển;
Thứ hai, tăng phúc lợi từ điều chỉnh lợi ích xã hội, nhà nước chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh và phân phối phúc lợi này;
Thứ ba, xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại.
Lưu ý là nông thôn văn minh, hiện đại khác một thành phố văn minh, hiện đại như thế nào? Đó là một câu hỏi lớn cần được trả lời tường minh, khoa học trong Nghị quyết tam nông mới.
Như vậy, vấn đề "tam nông" cần được nhìn nhận trong bối cảnh phát triển mới với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu, theo ông Nghị quyết "tam nông" cần thể hiện như thế nào?
Quan điểm lớn về "tam nông" cần được thể hiện trong Nghị quyết mới là:
Thứ nhất, Dân là gốc: Dân là nguồn gốc của mọi động lực phát triển, chính sách phát triển; Ở nông thôn, nông dân là trung tâm của quá trình phát triển trong quá trình phát triển.
Thứ hai, Củng cố và tăng cường liên minh công - nông: Liên minh công-nông là cương lĩnh chính trị của Đảng và Nhà nước; trong chiến tranh là liên minh "chính trị", trong thời bình là liên minh "kinh tế".
Thể chế trong liên minh thể hiện ở chỗ nhà nước vì lợi ích xã hội, chú trọng đến nông dân, nông thôn như một khu vực kinh tế quan trọng (tăng trưởng, an ninh lương thực, xuất khẩu, đầu tư, quy hoạch...) và các vấn đề khác về người nông dân và cộng đồng nông thôn như dân chủ hóa, chuyên nghiệp hóa, bình đẳng, vị thế xã hội....
Thứ ba, chính sách đất đai là cội nguồn của chính sách kinh tế trong nông thôn, vì đất đai gắn với môi trường sống, sinh kế và cơ hội phát triển của nông dân, đất đai gắn với văn hóa, đất đai gắn với chế độ canh tác và tổ chức sản xuất và các mối quan hệ trong xã hội nông thôn, đất đai gắn với chính trị, thể chế như đói nghèo, mất đất, thất nghiệp, bất ổn, xung đột, mâu thuẫn,...
Làm sao để người nông dân tình nguyện ở lại nông thôn
Thưa GS, câu chuyện về đất đai luôn là vấn đề nóng, trong đó có vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất ở nông thôn. Tập trung ruộng đất là một chủ trương đang được nhà nước khuyến khích, được xem như là một giải pháp để tăng việc làm cho nông dân?
- Vấn đề đặt ra là: Tại sao quá trình tích tụ ruộng đất lại diễn ra chậm chạp? Tại sao nông dân không nhận ra được hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún? Hay tại sao họ không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất?
Mặt khác, câu hỏi không phải là liệu tập trung ruộng đất có đúng đắn hay không mà là làm thế nào để xử lý các hậu quả xã hội, kinh tế, chính trị của những chương trình áp chế tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất?
Cần phải trả lời thỏa đáng các câu hỏi: Ai sẽ quyết định mảnh đất nào cần được dồn lại? Ai sẽ được hưởng lợi từ quá trình này? Ai sẽ thua thiệt?
Thực tế cho thấy, không nhất thiết cần có sự can thiệp về mặt hành chính trong tập trung ruộng đất. Hiện tại, sản lượng và xuất khẩu nông nghiệp đang tiếp tục được tăng trưởng nhờ nông dân điều chỉnh phương thức sản xuất, chuyển sang những hoạt động có lợi hơn, nâng cao khả năng canh tác và kỹ năng quản lý đất đai, nắm bắt tốt thông tin và cơ hội về thị trường.
Điều này cho phép nông dân hợp lý hóa lượng đất hiện có thông qua tập trung ruộng đất tự nguyện với hàng xóm theo tín hiệu thị trường và sự trưởng thành trong kĩ năng quản trị ruộng đồng. Chúng ta nên ủng hộ xu hướng tích tụ ruộng đất tự nguyện này.
Hiện nay, cơn sốt đất đã tràn về nông thôn, giá đất tăng cao, nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai càng khó hơn nữa.
Đấy là chưa nói đến tâm lý nông dân vẫn giữ đất dù họ đã ly hương, đề phòng rủi ro. Họ coi đất đai như một cuốn sổ bảo hiểm. Do các cấu trúc an sinh xã hội của chúng ta chưa giải quyết được vấn đề nông dân mất đất và công nhân (gốc nông dân) mất việc tại đô thị.
Chênh lệch quá lớn về đầu tư công giữa nông thôn - thành thị có tác dụng tiêu cực?
Nó hạn chế năng suất nông nghiệp, giảm những cơ hội để nông dân và cư dân nông thôn tạo ra thu nhập và của cải ngay tại địa phương, làm nghiêm trọng thêm vấn đề đói nghèo, giảm tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp. Các đô thị đang đông đúc và tắc nghẽn do dòng người di cư từ nông thôn ra làm tăng chi phí cho phát triển đô thị. Điều này cũng đi ngược lại với mô hình đầu tư tại các quốc gia có tăng trưởng cao.
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tăng phúc lợi cho vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững là phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
Tăng đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác cho nông nghiệp đòi hỏi phải có ngân sách. Phần lớn cái giá phải trả cho việc phát triển các khu công nghiệp là do những người nông dân mất đất gánh chịu. Họ chỉ nhận được một khoản đền bù rất thấp.
Một phần "địa tô chuyển đổi" đã được chuyển cho các nhà đầu tư khi họ xây dựng cơ sở hạ tầng từ đất nông nghiệp chuyển đổi. Cần thay đổi cơ chế này để tăng giá trị của các loại đất nông nghiệp, bắt các nhà đầu tư phải "trả nợ" xứng đáng cho nông dân.
Phát triển đô thị và công nghiệp đang được thúc đẩy đi trước sự phát triển của nông thôn. Để có được sự phát triển bền vững về lâu dài, cả hai khu vực đều phải cùng phát triển nhanh. Tăng trưởng nông nghiệp cần phải được duy trì mạnh mẽ để việc phân bố lao động giữa các khu vực đi theo hướng tự nguyện chứ không phải do bị ép buộc vì đói nghèo và khốn cùng.
Cần phải cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công nhằm cân đối đầu tư công khu vực đô thị và nông thôn. Không ai muốn và có lẽ cũng chẳng ai có thể chối bỏ quê hương, song nếu mức sống và tiện nghi sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn quá khác xa nhau thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa hướng ra phố thị. Điều này phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hóa nông thôn.
Việc điều tiết lớn lao này không thể do thị trường, đó là trách nhiệm của nhà nước. Chính sách công có một tác động rất lớn để chuyển cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang đa dạng hơn, nghĩa là người dân nông thôn có nhiều sinh kế mới hơn; điều đó sẽ chèo lái tâm lý dân chúng, giúp họ vì những lợi ích cá nhân mà ở lại nông thôn.
Xây dựng và phát triển tầng lớp nông dân mới
Cùng với hệ thống chính sách đồng bộ về nông nghiệp, nông thôn, đất đai và đầu tư công, vấn đề sống còn mang tính quyết định đến sự thắng lợi của công cuộc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, của Nghị quyết Tam nông mới trong những năm tới là xác định được "chân dung" và từ đó hình thành tầng lớp nông dân mới. Tầng lớp nông dân mới đó, theo GS sẽ như thế nào?
Để có tầng lớp nông dân mới, có 2 vấn đề cốt tử nhất, đó là:
- Đào tạo họ thành các nông dân chuyên nghiệp, thích làm ruộng, biết làm ruộng, hạnh phúc với đồng quê, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên và dám làm giầu cho minh và cho cộng đồng từ sản xuất-kinh doanh nông nghiệp
- Nhà nước trao quyền cho họ. Người nông dân mới phải là các nông dân có học và được học, những con người có văn hóa thì mới mong trở thành người nông dân văn minh theo như Nghị quyết của Đảng.
Người nông dân thiếu gì? Họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng và thiếu được đào tạo để có thái độ đúng, để có đủ kiến thức và kĩ năng làm ruộng.
Đại học số sẽ góp phần quan trọng để biến các thanh niên nông thôn (và cả thanh niên không ở nông thôn nhưng yêu mến nghề nông) thành các "thanh nông trí điền", các nông dân chuyên nghiệp của thời chuyển đổi số, thay cho lớp "lão nông tri điền" của một thời chưa xa.
Nhà nước cần có các chương trình, các chính sách phù hợp, tập trung và đủ mạnh để đào tạo thanh niên nông thôn và những người thực sự muốn làm nông nghiệp, coi đó là chính sách phát triển, là đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để có các nông dân chuyên nghiệp, đủ sức làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ và kĩ thuật, làm chủ thị trường, đủ sức vươn ra quốc tế, kiểu như là "nông dân toàn cầu" vậy.
Trao quyền cho nông dân, thực ra là trả lại các quyền vốn có của họ, cả theo luật định, theo lẽ tự nhiên và theo phạm trù đạo đức, thể hiện qua các khế ước xã hội giữa nhà nước và người nông dân.
Trong thời đại hiện nay, trao quyền cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là động lực chính cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để nông dân thực sự là chủ thể, là chủ và làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn.
Nếu được làm chủ thực sự, làm chủ toàn diện, người nông dân sẽ tạo ra sức mạnh dời non lấp biển, tạo ra những bước nhảy vọt trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, và khi ấy họ thực sự là những người nông dân thông minh!
Điểm tựa để người nông dân thể hiện và phát huy quyền làm chủ sau khi được trao quyền là thị trường, KH&CN và liên kết các hộ nông dân trong các HTX, trong các nghiệp đoàn nghề nghiệp của họ, vì họ, cho chính họ.
Không ít quốc gia đã trở lên giàu có và hùng cường nhờ biết chọn điểm tựa là nông thôn, nhờ biết chọn khâu đột phá là kinh tế nông nghiệp. Đó là nền kinh tế nông nghiệp dựa trên tư duy công nghiệp, dựa vào 3 trụ cột chính: Đổi mới sáng tạo được tôn vinh để luôn tạo ra và làm chủ các công nghệ vượt trội; Chuyên môn hóa cao, chuyên nghiệp hóa cao; Quản trị hệ thống tiên tiến.
Ở một đất nước, khi nói đến Nhân dân là nói về Nông dân như Việt Nam, Nghị quyết Tam nông mới rất cần được viết với tâm thức tri ân và tôn trọng nông dân, người chủ đích thực của nông thôn và nông nghiệp, xuất phát từ ước nguyện, khát vọng và điều kiện, hoàn cảnh của họ, chắc chắn sẽ được nông dân và các tầng lớp xã hội khác đón nhận; Từ đây sẽ hình thành và phát triển đội ngũ những người nông dân mới, nông dân thông minh, nông dân của thời chuyển đổi số.
Theo số liệu năm 2020: Giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình cả nước đạt 99,5 triệu đồng/ha (tăng 82% so với năm 2010), thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn khoảng 41,7 triệu đồng (tăng 3,25 lần so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân khoảng 1%/năm và đến hết năm 2020 còn 7,1% (giảm 4,7% so với năm 2016)…
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nông dân thu nhập trung bình chỉ 0,3 USD/ngày, chịu nhiều thua thiệt. Nông dân phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ, trong đó có cả những nguy cơ mang tính thời đại là nông dân mất ruộng, nông dân chán ruộng, nông dân chán chốn thôn quê.
Ly nông, ly hương, ly tán bất đắc dĩ, những vấn đề xã hội của nông dân có liên quan đến đất đai và sinh kế đang là những vấn đề tiềm ẩn các bất ổn về an ninh chính trị và sự yên bình của đất nước.
Ai đó đã có ý kiến rất đúng rằng, muốn dân không mất ruộng, phải xem lại chế độ sở hữu áp dụng đối với ruộng đất của nông dân; Muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới giá cả nông sản nhằm giúp nông dân được lợi; Muốn dân không chán quê, phải xem lại ai được lợi từ chi dùng tài chính công.
GS.TS Trần Đức Viên
Nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam