Xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa để phong phú phương pháp dạy học?!

(Dân trí) - Đây là một lý do được ban soạn thảo luật Giáo dục (sửa đổi) nêu ra để giải trình cho việc giữ quy định một chương trình thống nhất trong toàn quốc, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa thể hiện trong dự thảo luật hiện nay…

Sáng 4/4, dự luật Giáo dục (sửa đổi) một lần nữa được đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra vào tháng 5, 6 năm nay.

Xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa để phong phú phương pháp dạy học?! - 1

Luật Giáo dục (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Triết lý giáo dục: Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện 70 năm qua  

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý mới nhất của dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) của UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra luật) vừa hoàn thành ít ngày trước (31/3/2019) đề cập việc có một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về triết lý giáo dục.

Cơ quan giải trình nêu nhận định, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Thực tế, Việt Nam không đi ngoài nguyên tắc này. Trong suốt thời gian qua từ lúc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cũng cho biết, tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra luật đề nghị không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này. Theo đó, Dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng sắp xếp lại kết cấu Chương I, bổ sung các quy định về mục tiêu (Điều 2), tính chất, nguyên lý (Điều 3) và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (Điều 4) cùng một số quy định khác của dự thảo Luật.

Huy động nhà khoa học tham gia để chống độc quyền biên soạn sách giáo khoa

Vấn đề “nóng” nhất tiếp tục được đề cập là chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý khái quát, vẫn có một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung chương trình; có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu về quy định mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục phổ thông, dự thảo luật đã sắp xếp, bổ sung quy định về các yêu cầu cơ bản của chương trình tại Điều 32.

Về đề nghị một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung, thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, quy định về nội dung này trong dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Theo đó, chương trình chi tiết giáo dục phổ thông là pháp lệnh, sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, ban hành chương trình, sách giáo khoa trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Việc quy định một chương trình thống nhất trong toàn quốc, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa sẽ bảo đảm được sự thống nhất trong nội dung, yêu cầu giáo dục năng lực, phẩm chất cho học sinh phổ thông nhưng đa dạng trong phương pháp, hình thức giảng dạy, phù hợp với đối tượng, vùng miền.

Từ lý do đó, cơ quan giải trình đề nghị giữ quy định về việc xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau như đã thể hiện trong dự thảo luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.

Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, trên nguyên tắc chương trình giáo dục phổ thông chi tiết, cụ thể, thống nhất trong cả nước, chủ trương cho phép cơ sở giáo dục, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa triển khai cụ thể chương trình là cần thiết, nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, cũng như tạo điều kiện cho Bộ GD-ĐT tập trung vào công tác quản lý nhà nước.

Để bảo đảm chất lượng sách giáo khoa theo đúng chương trình quy định và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa, dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa, quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục.

Về quy định cụ thể Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo quy định một điều riêng về hai Hội đồng trên (Điều 33). Đồng thời quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; trình UB Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 103).

P.Thảo