Xây dựng mạng di động tiếng dân tộc tới vùng khó khăn
Dịp Tết Nguyên đán, lần đầu tiên những đồng bào người dân tộc thiểu số dùng điện thoại di động sẽ có tổng đài riêng bằng chính ngôn ngữ của mình.
Khi phủ sóng di động ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt với hơn 5.400 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, không có nhiều hãng viễn thông tiên phong. Chi phí đầu tư lớn, khó khăn về địa hình, kèm thêm doanh thu thấp hơn nhiều lần ở các vùng đô thị là nguyên nhân khiến các mạng di động phải cân nhắc. Thế nhưng, có doanh nghiệp vẫn đi “ngược dòng”.
Tổng đài này sẽ giải đáp thắc mắc về dịch vụ, đồng thời cung cấp nhiều chương trình tin tức tổng hợp, kể chuyện, ca nhạc, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi bằng tiếng dân tộc 24/24h. Điện thoại viên người dân tộc sẽ trực tiếp giải đáp dịch vụ miễn phí qua tổng đài 3331 (Tày-Nùng); 3332 (Thái), 3335 (H’Mông), 3336 (Dao), 3337 (Gia-rai), 3338 (Ê Đê), 3339 (Khơ-me).
Ngay trong buổi lễ ra mắt tính năng mới dành cho bộ hòa mạng Buôn Làng, ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UB Dân tộc Chính phủ nhấn mạnh: “Điều đáng quý của Viettel là đã rất trân trọng ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa ra bộ tính năng nhằm gìn giữ và bảo tồn các giá trị này cho mai sau”.
Trên thực tế, trong số 12 triệu người dân tộc thiểu số tại Việt Nam, khoảng 9 triệu chưa được phổ cập dịch vụ viễn thông di động. Một bộ phận không nhỏ trong số đó vẫn chưa biết tiếng Kinh và họ cũng là người nghèo nhất. Với nhóm khách hàng này, nếu nhắm tới mục tiêu lợi nhuận trước mắt thì không có công ty nào hăng hái đầu tư cung cấp dịch vụ.
Xét ở góc độ công nghệ, bộ hòa mạng Buôn làng với tổng đài bằng tiếng dân tộc không có gì đột phá. Tuy nhiên, điều khiến nó trở nên khác biệt nằm ở chỗ đó là một dịch vụ cần đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc lại dành riêng cho nhóm khách hàng nghèo nhất Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và hầu hết các công ty đều muốn cắt giảm chi phí.
Thế nhưng, hãng viễn thông quân đội (Viettel) lại có suy nghĩ khác. “Từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ viễn thông, triết lý của chúng tôi là phải phát triển vùng với đất nước. Những người nghèo sẽ không mãi nghèo và nếu đi cùng họ từ khi còn khó khăn, Viettel sẽ cùng hưởng thành quả khi kinh tế xã hội tốt lên”, một lãnh đạo của Viettel chia sẻ. Đại diện hãng viễn thông cho biết thêm, bộ hòa mạng Buôn làng với tổng đài bằng tiếng Tày – Nùng, Thái, Dao… như một món quà xuân của Viettel dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán này.
Kể từ khi mới cung cấp dịch vụ viễn thông, Viettel đã gắn liền với hình ảnh luôn đồng hành cùng những hoạt động xã hội và hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh không may mắn. Điều này khiến cho những người sử dụng dịch vụ viễn thông nói chung cảm nhận rõ sự khác biệt của Viettel với những thương hiệu khác.
Thủy Lê