1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

(Dân trí) - Ngày 26/7 tại TP Huế đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 16 năm 2019 với chủ đề Phát triển cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bàn về mô hình Chính phủ điện tử trong Cách mạng 4.0

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Tổng giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Lê Thanh Tâm; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ; nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia về công nghệ thông tin (CNTT) trong nước và quốc tế.

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 1

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 16 năm 2019

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm định hướng vai trò công nghệ thông tin của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, cùng với sự vào cuộc tích cực của các tỉnh, thành phố đã góp phần tích cực trong thay đổi tư duy, phương thức điều hành, nâng cao minh bạch, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, rào cản trong việc phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) cũng như xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay.

Một số vấn đề vẫn còn tồn tại hiện nay có thể điểm qua như: hệ thống chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện; nhận thức chưa chuyển biến đồng đều; việc kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin chưa thông suốt; quá trình chuyển đổi số còn chậm; điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Hội thảo Quốc gia CPĐT được tổ chức trong bối cảnh làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu có tác động mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho ngành thông tin và truyền thông trong việc nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ.

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 2

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia về công nghệ thông tin trong nước và quốc tế tham dự hội thảo

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội thảo với sự có mặt của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp nhiều kinh nghiệp, tập trung trình bày, thảo luận về lộ trình và khung kiến trúc CPĐT giai đoạn 2020-2025, Mô hình kết hợp smart city và chính phủ điện tử, Mô hình, kinh nghiệm phát triển CPĐT tại các quốc gia phát triển Singapore, Pháp; Các hình thức hợp tác quốc tế nhằm phát triển CPĐT và thành phố thông minh; Các giải pháp xây dựng và hiện đại hóa cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó trọng điểm là giải pháp định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công trực tuyến và bảo mật, an ninh, an toàn thông tin cho CPĐT .

Tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua đã triển khai một bước chuyển đổi quan trọng đó là phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Với thời gian rất ngắn, mô hình này đã phát huy hiệu quả, qua đó thúc đẩy, điều chỉnh ngược trở lại việc hoàn thiện quá trình xây dựng CPĐT tại địa phương từ nền tảng công nghệ và tư duy mới. Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận tin vui là được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 3

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ phát biểu khai mạc

Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc triển khai CPĐT là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đảng, Nhà nước luôn coi việc ứng dụng CNTT  trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng, trở thành nền tảng cho việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Đến nay, các cơ quan Nhà nước đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân, một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức.

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Nhằm tạo bước phát triển đột phá trong việc phát triển CPĐT góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo đà phát triển cho nền kinh tế, gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Với quan điểm, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính

Chính phủ xác định mục tiêu hướng tới là hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên Hiệp quốc đến năm 2025.

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 5

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu với Bộ trưởng Mai Tiến Dũng Việt Nam về Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh đầu tiên đặt tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo CPĐT năm 2019 chính là bàn về những giải pháp có thể trợ giúp đắc lực trong việc thực hiện một phần nhiệm vụ Chính phủ đã đề ra - Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. 

Phiên báo cáo chính trong sáng 26/7 đã tập trung giới thiệu lộ trình phát triển, yêu cầu chi tiết mà Chính phủ đặt ra cho các cơ quan, DN chịu trách nhiệm phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cho thuê hạ tầng công nghệ đã cập nhật các thông tin liên quan đến sự phát triển và những gì lĩnh vực của mình có thể đóng góp cho nhiệm vụ phát triển CPĐT tử nói chung.

Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 6
Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 7
Xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - 8

Các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội nghị

 

Đại Dương