1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM:

Xây đảo nhân tạo sẽ tàn phá môi trường Biển Đông

(Dân trí) - Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, tác động tiêu cực của hành vi xây đảo nhân tạo đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không và môi trường biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia trên thế giới.

Ngày 25/7, tại TPHCM, Hội Luật gia Việt Nam và trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo.

 

hoi-thao-quoc-te-ve-van-de-xay-dung-cong-trinh-nhan-tao-tren-bien-dong-faaf1

Hội thảo quốc tế về vấn đề xây dựng công trình nhân tạo trên biển đông

Vạch trần tham vọng của Trung Quốc

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM, trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết, biển Đông là một biển lớn của Thái Bình Dương với những tiềm năng to lớn về dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản, thủy sản, du lịch. Biển Đông còn là tuyến đường biển quốc tế huyết mạch nhộn nhịp thứ 2 của thế giới với hơn 45% khối lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua biển Đông hàng năm. Vì vậy, biển Đông được coi là vùng biển có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, do quan điểm, lập trường và yêu sách về chủ quyền của các quốc gia trong khu vực còn nhiều khác biệt nên thời gian qua biển Đông vẫn đang “cuộn sóng”. Đặc biệt sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014, Trung Quốc lại tiến hành bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo với quy mô rất lớn tại 7 bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành vi này của Trung Quốc đã bị Việt Nam, Philippines, các quốc gia trong khu vực, Mỹ, Nhật Bản, Úc, ASEAN, EU, các nước công nghiệp phát triển G7 và công luận quốc tế phản đối mạnh mẽ.

 

hoi-thao-thu-hut-su-tham-gia-cua-nhieu-chuyen-gia-quoc-te-ffd0e

Hội thảo thu hút sự tham gia nhiều chuyên gia quốc tế

TS Ngô Hữu Phước, Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TPHCM cho rằng, hoạt động ồ ạt bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa nhằm biến chúng thành các đảo nhân tạo đã bị các quốc gia trong khu vực và thế giới phản đối, lên án mạnh mẽ.

Hành vi trên của Trung Quốc nhằm vào 2 mục đích cơ bản. Thứ nhất là củng cố và mở rộng tham vọng, yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ trên biển Đông theo lộ trình: tấn công xâm lược; bồi đắp thành các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng trên đảo; yêu sách vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo rồi sau đó đưa người đến ở và yêu sách vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo nhân tạo như các đảo tự nhiên đáp ứng các quy định tại Điều 21 của Công ước về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Thứ 2, về vị trí địa lý, biển Đông có 3 điểm chiến lược tiền tiêu đặc biệt quan trọng án ngữ hành lang phía đông nam là đảo Hải Nam của Trung Quốc và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là 3 điểm “yết hầu” về vị trí địa chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không khu vực và thế giới. Do vậy, tất cả các hoạt động của Trung Quốc nhằm thôn tính quần đảo Trường Sa để liên kết 3 điểm tiền tiêu chiến lược này và từ đó kiểm soát toàn bộ biển Đông, hiện thực hóa “đường chữ U chín đoạn”  phi pháp hòng “độc chiếm biển Đông”. Đây là ý đồ có tính toán bài bản từ lâu của Trung Quốc.

Về phương diện pháp lý, TS Phước khẳng định, theo luật quốc tế, Trung Quốc không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Xây đảo nhân tạo, môi trường biển bị tàn phá

GS.TS Mai Hồng Quỳ cho rằng, quan điểm chính trị và phản ứng của các quốc gia trong khu vực và thế giới đối với hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông có thể vẫn còn khác biệt nhưng tác động tiêu cực của hành vi này đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không và môi trường biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia trên thế giới.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Vân, Trưởng khoa Luật Thương mại, ĐH Luật TPHCM, ảnh hưởng từ hoạt động Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên vùng biển Trường Sa Việt Nam đến hoạt động khai thác và bảo vệ các nguồn lợi thủy sản của ngư dân Việt Nam tại ngư trường biển Đông là rất lớn. Ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam bị đe dọa và thu hẹp. Không những thế, môi trường biển bị tàn phá, các nguồn lợi thủy hải sản và sinh vật biển bị hủy diệt.

 

cac-dien-gia-trao-doi-ben-le-hoi-thao-e0583

Các diễn giả trao đổi bên lề hội thảo (Ảnh: Hiệp Trần)

PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo trình bày tham luận của mình bằng những ngôn từ, lý lẽ như rút từ tâm can. Vị PGS.TS này cho rằng, từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, các quốc gia chủ trương xây dựng nền hòa bình nhưng Trung Quốc đã hoàn toàn đi ngược lại nền hòa bình đó của thế giới.

“Trung Quốc đang sử dụng tổng thể các giải pháp chứ không chỉ trên biển để thực hiện mưu đồ bành trướng, chia rẽ. Vấn đề biển Đông không phải là chuyện của Việt Nam hay của Mỹ mà là trách nhiệm của toàn cầu. Chỉ có pháp lý mới là sức mạnh. Chỉ có công bằng và lẽ phải mới giải quyết được vấn đề này”, PGS.TS Nguyễn Bá Diến nói.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Mai Hồng Quỳ cũng khẳng định: “Việc duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, khu vực biển Đông nói riêng là nhân tố quan trọng để bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không. Đó cũng chính là bổn phận, trách nhiệm và tâm nguyện của các quốc gia trong khu vực và thế giới”, GS.TS Mai Hồng Quỳ khẳng định.

Phó đô đốc Anup Signh, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ khẳng định: “Nếu Ấn Độ không khai thác dầu khí ở biển Đông, chúng tôi cũng sẵn sàng bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này. Với những quyền lợi của Việt Nam và Ấn Độ bị đe dọa, xâm phạm, chắc chắn Ấn Độ sẽ cử tàu chiến sang biển Đông”.

Công Quang