Philippines kiện Trung Quốc: Bị đơn phải tham gia bất kể đồng ý việc khởi kiện hay không
(Dân trí) - Nói về việc Trung Quốc không tham gia phiên toà giải quyết tranh chấp trên biển Đông mà Philippines khởi kiện, GS.TS. Erik Franckx khẳng định: “Trung Quốc phải tham gia bất kể có đồng ý việc khởi kiện hay không. Nếu Trung Quốc không tham gia thì phiên toà vẫn diễn ra”.
Chiều 24/7, Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TPHCM đã tổ chức buổi họp báo trước Hội thảo quốc tế: “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”.
Ngay từ đầu buổi họp báo, giới truyền thông đã đặt nhiều câu hỏi dành cho GS.TS. Erik Franckx, Giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật Châu Âu Đại học VrijeUniversiteit Brussel (VUB), Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan.
GS.TS. Erik Franckx cho biết, hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu luật quốc tế xác định khung pháp lý phù hợp để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông hiện nay.
GS.TS. Erik Franckx cho rằng, trong Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) việc các bên tranh chấp tham gia phiên toà quốc tế là điều bắt buộc. Do đó, việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế nhưng bị đơn là Trung Quốc không tham gia không có nghĩa là sẽ tạo một tiền lệ xấu trong việc chấp hành luật pháp quốc tế. Trung Quốc phải tham gia bất kể là đồng ý việc khởi kiện của nguyên đơn hay không. Nếu bị đơn không tham gia thì phiên toà vẫn diễn ra. Trong lịch sử, đã có một vụ kiện tương tự như vậy. Bị đơn không tham gia nhưng cuối cũng phải thực thi phán quyết của toà.
GS. TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc tiến hành xây dựng, tôn tạo, bồi đắp bất hợp pháp với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Xu Bi, Gaven và Vành Khăn thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm chiếm. Hành vi này hoàn toàn trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS, trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC năm 2002, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không...
Chính vì vậy, Hội thảo quốc tế: “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia luật quốc tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các luật sư đến từ các nước trên thế giới và Việt Nam thảo luận chuyên sâu các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 liên quan đến xây dựng đảo và các công trình, thiết bị nhân tạo cũng như những tác động tiêu cực của việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc đang thực hiện.
GS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật Gia Việt Nam cho biết, sẽ có hơn 20 học giả, bao gồm các chuyên gia có uy tín lớn về luật quốc tế nói chung, luật biển quốc tế nói riêng đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn của thế giới như: GS. Erik Franckx, Phó Đô đốc Anup Singh, Nguyên tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Miền Đông Ấn Độ, Biên tập viên Tạp chí Hiệp hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương, GS. Jay L. Batongbacal, Giám đốc, Viện các vấn đề hàng hải và Luật Biển, đại học Philippines...
Hội thảo chia làm 2 phiên và sẽ diễn ra trọn vẹn ngày 25/7 tại Dinh Thống Nhất, TPHCM.
Công Quang
Ảnh: Hiệp Trần
congquang@dantri.com.vn