1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xanh trong Đảo Mắt

(Dân trí) - Giữa trùng khơi xanh thẳm, đảo Mắt hiện ra sừng sững như một bức tường thành. Đảo Mắt vẫn hiên ngang đứng đó, như giang vòng tay chở che đất liền và những ngư dân lênh đênh bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt đón khách từ đất liền ra thăm.

Cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt đón khách từ đất liền ra thăm.

Đầu tháng 12, nắng vẫn trải vàng ươm bờ bãi, biển trời. Sóng lặng, nước êm, đoàn chúng tôi tiến thẳng ra đảo Mắt. Từ hậu cứ đảo Mắt (Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), thuyền chúng tôi lướt êm ra cửa bể. Con thuyền dập dềnh theo từng đợt sóng khiến chúng tôi chếnh choáng, vài người đã bắt đầu bị những cơn say sóng hành hạ. Anh lính ngồi trước mũi thuyền cười: “Chưa ăn nhằm gì đâu. Sóng hôm nay là êm nhất rồi đó. Vào mùa biển động, thuyền lắc lư, xoay tròn giữa biển, cái sự say này chưa thấm vào đâu đâu”.

2 tiếng chòng chành theo con sóng, Đảo Mắt hiện dần ra giữa xanh thẳm của biển trời. Cán bộ, chiến sỹ đảo xuống tận cầu tàu để đón khách, cảm giác thân thuộc như gặp lại những người thân. Với độ cao 218m so với mực nước biển, diện tích tích tự nhiên 2,2km2, Đảo Mắt anh hùng hiện ra vững chãi giữa biển khơi như sức mạnh của bức tường thành canh giữ bão báp cho đất liền mưa thuận gió hòa, mùa màng phong vượng.

Tấm bản đồ khẳng định chủ quyền được khắc trên đá ở Đảo Mắt.

Tấm bản đồ khẳng định chủ quyền được khắc trên đá ở Đảo Mắt.

Đại úy Trần Văn Thảo – Chính trị viên Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt cho biết: “Đảo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong thế trận phòng thủ và kinh tế của tỉnh Nghệ An. Trong chiến tranh chống Mỹ, để đánh chiếm, giặc đã trút lên đây hơn 4000 tấn bom đạn. 9 người con đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo. Đảo Mắt còn được ví như “mắt biển”, vừa canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vừa bảo vệ, che chở ngư dân giữa giông tố hay bão biển hoặc những tai nạn bất ngờ trên đường bám biển”.

Toàn đảo đã phủ một màu xanh trù phú của rừng, của rau. Ra Đảo Mắt – ra với đảo tiền tiêu trong tuyến phòng thủ quan trọng về mặt quân sự nhưng chúng tôi lại có cảm giác bình yên như đang ở quê nhà. Những luống rau cải, rau mồng tơi, rau xà lách xanh mướt. Những “gia đình” lợn tung tăng dạo khắp đảo, thậm chí ung dung vào tận từng phòng lính. “Lợn ở đây dạn người lắm. Lợn nuôi thả rông nhưng kỉ luật lắm, không bao giờ gây mất vệ sinh đơn vị đâu nhá. Mỗi đội tự tăng gia sản xuất phục vụ cho anh em. Giờ đảo tự túc được rau xanh ăn quanh năm rồi. Nước ngọt vẫn thiếu nhưng không còn gay gắt như trước đây nữa”, thượng úy Nguyễn Viết Dũng chia sẻ.

Vọng gác trên Đảo Mắt.

Vọng gác trên Đảo Mắt.

Rải rác khắp trên đảo là những bể chứa nước. Đó là giải pháp chống lại những tháng mùa khô dai dẳng thiếu nước ở hòn đảo cách đất liền 24km. Nước ở các khe đá rịn ra, chảy tong tong từng dòng nhỏ xuống bể. Cứ “tích tiểu thành đại” như thế để thành nước dự trữ trong mùa nắng nhưng cứ đều đặn năm vài tháng, chiến sỹ Đảo Mắt phải đi vòng 2 tiếng đồng hồ vác từng can nước từ bên kia sườn núi về dùng. Cũng như ở Trường Sa hay Hoàng Sa, lính Đảo Mắt cũng phải tập làm quen với việc đánh răng, rửa mặt chỉ bằng vài cốc nước hay mỗi người 3 ca nước tắm mỗi ngày. Nước hiếm hoi vậy nhưng mùa nào thức nấy, những vườn rau vẫn xanh tươi. Nước hiếm nên lính ta sử dụng dè sẻn, tận dụng tối đa từng giọt nước. Nước rửa ráy, sinh hoạt trữ vào thùng rồi tưới rau, tắm cho lợn.

9 người con đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo.

9 người con đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo.

Đảo cũng có riêng một cột sóng, lính tha hồ lướt mạng Internet hay gọi điện về nhà. “Trên đảo giờ không thiếu gì cả đâu. Khoảng cách với đất liền cũng được rút ngắn lại bằng sóng điện thoại nên nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con cũng vơi đi. Anh em đều yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương” thiếu úy Bùi Hữu Đức chia sẻ.

Rồi Đức giới thiệu sơ qua cho chúng tôi về “nhà” của anh. Đức hẹn, lần sau anh chị ra đây, có thời gian chúng em sẽ dẫn đi thăm quan nơi nàng Tố Nương vọng vào đất liền chờ tin tức của chồng. Ở phía sườn núi bên đó, lạ một cái là chỉ toàn đá là đá, không có cây cối nào mọc được. Ở đó có tảng đá hình tròn như con mắt. Truyền thuyết kể lại là mắt của nàng Tố Nương hóa đá vì ngóng vào đất liền chờ tin tức chồng mà không biết chồng đã chết. Đảo Mắt còn có Chợ Kèn nữa. Chợ Kèn là tên anh em đặt cho bãi đá đầu núi. Lên đó, nghe gió lùa vào khe đá vọng thành những bản nhạc bất tận ca ngợi vẻ đẹp của trời, của biển, của những ngư dân vươn khơi bám biển.

Cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt đã tự túc được rau xanh quanh năm.
Cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt đã tự túc được rau xanh quanh năm.

Thong thả bước theo từng bậc đá từ trên núi xuống cầu tàu, chúng tôi dừng lại ngắm nghía tấm bản đồ Việt Nam khắc trên phiến đá. Ở đó, Hoàng Sa – Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Ở đó, là lời thề giữ đảo và sẵn sàng “chia lửa” của lính Đảo Mắt đối với 2 quần đảo máu thịt của Tổ Quốc.

Chỉ vào bãi đá ngay dưới hai lá cờ khắc nổi, tô son đỏ thắm nổi bật giữa màu xanh của rừng, của biển, Đại úy Trần Văn Thảo – Chính trị viên tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt cho biết, đây sẽ là địa điểm xây dựng kỳ đài của Đảo Mắt. Ngọn kỳ đài cao vượt lên đỉnh núi. Ở đó, lá cờ Tổ quốc sẽ kiêu hãnh tung bay, là điểm tựa của những ngư dân vươn khơi bám biển, là lời thề sắt son của người lính đảo với nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương.

Lính đảo cũng chăn nuôi để tự túc thức ăn tươi cho đơn vị.

Lính đảo cũng chăn nuôi để tự túc thức ăn tươi cho đơn vị.

Chia tay Đảo Mắt, thuyền xa dần về phía đất liền. Sau lưng chúng tôi, những chiến sỹ Đảo Mắt vẫn giơ mãi cánh tay tạm biệt. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại, để thăm bãi đá nơi nàng Tố Nương đứng ngóng chồng, để đi Chợ Kèn nghe khúc hành ca người lính giữ biển.

Hoàng Lam