Xăng lên mức 21.000đ/lít đẩy CPI tháng tới thêm 0,4%
(Dân trí) - Lần thứ 2 tăng giá xăng dầu cũng mới chỉ đạt hơn 40% yêu cầu. Dự kiến, việc tăng giá này sẽ khiến chỉ số CPI tháng tới tăng thêm khoảng 0,4% - Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết sau cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.
Tăng giá lần 2 chỉ tiếp một bước xóa bao cấp xăng dầu
Với đà tăng liên tục này, đáng ra DN được phép tiếp tục điều chỉnh giá sau 10 ngày kể từ lần tăng giá gần nhất. Tuy nhiên, liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định yêu cầu giữ giá, giãn tiến độ điều chỉnh lần 2 hơn 30 ngày.
Việc điểu chỉnh tối 29/3 vừa qua, theo đó là bất khả kháng. “Ta không còn cơ chế mua cao bán thấp được nữa. Lần điều chỉnh này cũng chỉ thực hiện tiếp một bước xóa bao cấp xăng dầu chứ chưa hoàn toàn theo giá thị trường trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cũng tăng cao tác động tới nước ta” - ông Thỏa phân trần.
Lần tăng giá thứ 2 này mới chỉ bằng 40-50% mức cần điều chỉnh, còn nếu tính đủ chi phí như bình thường, đáng lý mức tăng phải cao hơn nữa. Mức giá bán lẻ 21.100đ/lít xăng A92 hiện tại vẫn thấp hơn nhiều nước xung quanh từ 3.000 - 5.000 đồng/lít.
Dự kiến, việc tăng giá này sẽ khiến chỉ số CPI trong tháng tới sẽ tăng thêm khoảng 0,4%.
Tăng giá 6,12%, tăng trưởng 5,43%
Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 2,2% trong tháng 3 - mức tăng cao nhất trong vòng 34 tháng qua, CPI quý I/2011 đã lên mức 6,12%. Trong khi đó, tốc độ tăng GDP quý I/2011 ước đạt 5,43% (công nghiệp tăng 14,2%, nông nghiệp tăng 3,5%, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh).
Tổng kim ngạch xuất khẩu quí I/2011 ước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế xã hội đã bước đầu có kết quả sau 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một số chính sách mới kiểm soát dư nợ tín dụng, vàng, chống đôla hóa nền kinh tế. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nêu con số tổng hợp, tốc độ tăng trưởng tín dụng hết quý I dự kiến tăng dưới 5%. Việc cắt giảm đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu quý I khoảng 33%, nhập siêu giảm đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Về yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty báo cáo số dư ngoại tệ, ông Giàu cho biết, trong 78 tổ chức, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, có tổng cộng 1,61 tỷ USD trong đó có trên 637 triệu USD là tiền gửi có kỳ hạn.
NHNN cũng đang khẩn trương soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt đối với những hành vi mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do, chấn chỉnh hoạt động của các đại lý thu đổi ngoại tệ. Ngoài ra, NHHN còn dự thảo quy định cá nhân có thể mua bán ngoại tệ tiền mặt, kiều hối với tỷ giá hợp lý thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, TCT Nhà nước đã cắt giảm 1.112 dự án, tương đương 3.400 tỷ đồng. Chính phủ đã thảo luận về đề xuất giãn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn lớn, không nộp được thuế đúng hạn. Chính sách cụ thể sẽ được công bố trong thời gian tới. Chính phủ đã thống nhất thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản theo chủ trương từ đầu năm; tăng mức cho vay đối với học sinh sinh viên; có trợ cấp cho đối tượng có mức thu nhập dưới 1,9 triệu đồng tháng (lương dưới hệ số 3); thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo 30.000 đồng/tháng. |
P.Thảo