Xâm phạm quyền biểu tình bị phạt tù tới 7 năm!
(Dân trí) - Ngày 31/3, UB Tư pháp của Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi. Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu gỡ bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh khác, dự thảo bộ luật đề cập chế tài đối với hành vi cản trở công dân biểu tình…
Cản trở công dân tự do ngôn luận, biểu tình... bị phạt tù
Dự thảo Bộ luật Hình sự đưa ra lần này có điểm mới so với bộ luật hiện hành với quy định tại Điều 164 - Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của người dân. Dự thảo bộ luật nêu rõ, người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân (…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Điều 164 này cũng quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi Điều 163 - Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo. Theo đó người nào có một trong các hành vi sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo. Bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm khi phạm các tội: trả thù người khiếu nại, tố cáo, gây hậu quả nghiêm trọng.
Người vi phạm bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm trong các trường hợp: có tổ chức; gây mất trật tự, an toàn xã hội; làm nạn nhân tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng khác. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bỏ hình phạt tử hình ở 7 hay 10 tội danh?
Trình bày báo cáo về việc soạn thảo bộ luật, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết, ngoài đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự hiện nay ( tội cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh), một số ý kiến đề nghị tiếp tục bỏ án tử hình thêm đối với 3 tội danh nữa là: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ. Lập luận đưa ra là, suy cho cùng thì các tội phạm này mang tính chất kinh tế, vì vụ lợi, người thực hiện hành vi phạm tội này nhằm mục đích thu lợi.
Góp ý kiến về vấn đề này, phía Chính phủ cho rằng, hiện nay Việt Nam đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đối với tội sản xuất buôn bán hàng giả, Chính phủ nêu quan điểm, thực tế đang phổ biến và tạo nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Do đó, cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm này.
Nhóm nghiên cứu thuộc UB Tư pháp cũng có 3 loại ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh đã đề xuất, xem xét lần trước. Nhóm ý kiến thứ 2 đồng ý nâng lên 10 tội danh không quy định hình phạt tử hình.
Nhóm ý kiến thứ 3 nhất trí cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội có tính chất vụ lợi, nhưng đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh với lý do đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng. Xét về phương diện địa lý chính trị, nước ta nằm trong khu vực có sự phức tạp về tình hình an ninh. Nguy cơ chiến tranh, xung đột vẫn hiện hữu, do vậy việc giữ hình phạt tử hình ở các tội danh này vẫn cần thiết và có tính thời sự.
Ngoài ra, việc dự thảo bộ luật bổ sung quy định về việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất ½ số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thuộc UB Tư pháp cho rằng, việc quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ. Theo đó cần phân loại, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử hình.
Cắt điện không có căn cứ phạt tù tới 5 năm, phạt tiền 500 triệu đồng Điều 203 về tội phạm vi phạm các quy định về cung ứng điện quy định người nào có trách nhiệm mà thực hiện một trong các hành vi sau gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm gồm: cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định; từ chối cung cấp điện không có căn cứ; trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng. Người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
P.Thảo