1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xăm mình - Kiểu chơi nhiều hệ lụy

Xăm mình đang trở thành “mốt” của một bộ phận giới trẻ. Họ xăm để thể hiện “đẳng cấp”, do “hận đời” hoặc vì tình yêu. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đã phải trả giá cho cách suy nghĩ lệch lạc của mình.

Xăm mình - Kiểu chơi nhiều hệ lụy
Phong trào xăm hình đang lan truyền nhanh trên internet. Ảnh: Chánh Trung

 

Sinh viên N.V.H đang học một trường ĐH ở TP Đà Nẵng, yêu N.T.N học cùng trường. Để kỷ niệm ngày yêu nhau, H. cùng N. đi xăm. “Chúng em đã chọn chữ cái thể hiện tên của hai đứa để xăm cho “hiền” và vị trí xăm cũng không nhạy cảm như một số bạn khác đã làm” - H. cho biết.

 

Rủ nhau xăm cặp

 

Việc xăm cặp được một số bạn trẻ cho là “hay hay”, đồng thời cũng thể hiện được cá tính. Tuy nhiên, không phải ai, nhất là các bạn nữ, cũng đủ dũng cảm vượt qua sự đau đớn của việc làm này. Một bạn trẻ có tên H.A thổ lộ: “Khi đưa ra ý tưởng này, em và người yêu đã đồng ý sẽ xăm một hình gì đó thể hiện sự quyết tâm gắn bó lâu dài nhưng khi bắt đầu thực hiện thì cô ấy “nhụt chí” nên chỉ có mình em xăm thôi”.

 

Một số bạn trẻ sở hữu rất nhiều hình xăm với các lý do khác nhau mà điển hình là L.C.T (SN 1986, đang làm việc cho một công ty nước ngoài). Từ khi còn đi học, T. đã “sở hữu” một hình xăm cùng người yêu nhưng hình xăm đó đã được thay thế bằng một hình xăm khác đè lên vì muốn quên đi mối tình cũ sau khi hai người chia tay. Một thời gian sau, T. lại có thêm hình xăm cặp với người yêu mới.

 

Theo một số bạn trẻ, việc xăm mình cũng tùy theo sở thích và cá tính của mỗi người. Ly (17 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM)  khoe một hình xăm bằng chữ Ả Rập sau gáy: “Cái này đang là mốt đấy”. Theo Ly, do chữ xăm nhỏ lại mặc đồng phục đi học nên bố mẹ và thầy cô không thể biết được, chỉ khi nào đi chơi mới phô ra. Ngoài vị trí sau gáy, các bạn trẻ còn có những hình xăm nhỏ dưới mang tai hoặc lấp ló sau làn tóc… Những bạn trẻ thích “thể hiện” và “khoe hình” thì lại chọn vị trí xăm dễ thấy nhất như bắp chân, vai, cổ, ngón tay, thắt lưng…

 

Mất việc, lãnh sẹo

 

Thông thường, những bạn trẻ xăm mình không cảm nhận được tính nghệ thuật của các hình xăm mà thường chỉ để lấy “oai” với bạn bè hoặc do quan niệm lệch lạc của tuổi trẻ. Họ có thể xăm theo hình có sẵn tại các tiệm xăm hoặc theo mẫu của mình. Những hình xăm thường độc đáo về hình dạng cũng như màu sắc, có những hình xăm phản quang (chỉ hiện trong bóng tối) hay xăm sữa (chỉ hiện khi uống rượu, bia).

 

Theo anh Trần Chí Hiếu, Trưởng CLB Xăm nghệ thuật Tattoo, không ít bạn trẻ đã tìm đến CLB yêu cầu được xăm phát quang. “Tôi thường khuyên họ rằng xăm phát quang thực sự có những nguy cơ gây bệnh” - anh Hiếu nói. Anh Hiếu cho biết đã từng mang loại mực xăm phát quang đến Viện Da liễu Quốc gia để kiểm nghiệm và được biết có nhiều tác nhân dễ dẫn đến ung thư cũng như nhiều nguy cơ gây bệnh khác.

 

Ngoài những tác hại có thể xảy ra như đã nêu trên, việc xóa những hình xăm cũng vô cùng phức tạp, đem lại không ít phiền phức cho khổ chủ sau này.

 

Xăm mình - Kiểu chơi nhiều hệ lụy
Hình xăm trên vai một bạn trẻ với mục đích khẳng định “đẳng cấp”. Ảnh: Chánh Trung

 

Hiểu Minh (ngụ quận 8 - TPHCM) kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm buồn liên quan đến vết xăm trên người anh. Thời sinh viên, sau một lần thất tình, Minh được bạn bè “tư vấn” nên đi xăm để xả xui và chứng tỏ mình vẫn còn mạnh mẽ sau khi bị bồ “đá”. Minh đã đến một tiệm ở quận 5 để xăm lên vai hình trái tim có mũi tên bắn xuyên qua rỉ máu. Lúc còn là sinh viên thì mọi việc vẫn bình thường nhưng khi ra trường đi làm, anh bắt đầu gặp rắc rối. “Một lần cả công ty đi chơi, tôi cởi trần tắm biển và bị người ta nhìn thấy vết xăm. Sau đó, khoảng hơn một tháng, tôi nhận được thông báo cho thôi việc với lý do không phù hợp với văn hóa của công ty” - anh Minh rầu rĩ kể.

 

Còn Minh Quân, một học sinh THPT ở quận Tân Phú - TPHCM, chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo to tướng trên cánh tay, hậu quả sau lần đi xăm mình vì bị bạn bè “khích” là trông yếu đuối quá. “Em phải mất mấy tháng trời uống thuốc dị ứng và tẩy mực xăm. Giờ nhìn lại vết thương, em vẫn thấy rùng mình” - Quân nói.

 

Theo TS Nguyễn Duy Hưng, Viện Da liễu Quốc gia, khi xăm phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất  màu vào sâu trong da nên rất dễ xảy ra tai biến. Ngoài ra, xăm còn có thể làm lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn là viêm gan siêu vi B, C và HIV.

 

Đi ngược lại truyền thống

 

Xu hướng xăm mình trong giới trẻ bùng phát là do phong trào này lan truyền với tốc độ chóng mặt trên internet. Lướt qua “Hội những người thích xăm hình” trên Facebook, chúng tôi nhận thấy hội này có đến hàng trăm thành viên. Hằng ngày, tại đây có nhiều bài viết liên quan đến xăm hình mà chủ yếu “ca ngợi” là đẹp và hợp mốt. Ngoài việc bàn tán các thông tin liên quan đến xăm hình, các thành viên còn đưa lên rất nhiều “mẫu xăm” mới để bình luận, thậm chí còn rủ nhau đi xăm. Không chỉ trên mạng xã hội, trên hàng loạt website cũng xuất hiện các thông tin liên quan đến các mốt  xăm mới và địa chỉ xăm hình đẹp.

 

Ông Đặng Viên Ngọc Trai, giảng viên tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết hiện tượng xăm hình nghệ thuật đang rất phổ biến trong giới trẻ. “Xu hướng xăm hình được các bạn trẻ cho là để hợp với thời đại và khẳng định mình, tuy nhiên, họ không biết rằng trong mắt mọi người, những hình xăm này tạo nên sự mất thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ trước đến nay, văn hóa Việt Nam luôn xem những người xăm mình là “cá biệt”, đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc” - ông Trai nói.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TPHCM đang mọc lên ngày càng nhiều điểm xăm mình rẻ tiền, chứa đựng nguy cơ nhiễm trùng cao mà giới trẻ hoàn toàn không biết. Đây là thực trạng đang phát triển một cách âm thầm, đáng báo động đối với giới trẻ hiện nay.

 

Ngoài việc xăm mình theo kiểu truyền thống (xăm trực tiếp bằng mực lên da thịt), một phong trào khác đang phát triển rất mạnh là xăm hình nghệ thuật hay vẽ hình lên cơ thể. Chỉ cần 20.000-100.000 đồng là có ngay trên người những hình xăm hoa hồng, thiên thần, cá, đại bàng, rồng…, thậm chí là hình xăm 3D kiểu mới.

 

Theo Chánh Trung - Anh Thanh

 Người lao động