Xác định nguyên nhân gây động đất tại Điện Biên
(Dân trí) - Theo thông tin từ Trạm quan sát địa chấn tại Điện Biên - Viện Vật lý địa cầu, trận động đất cấp 4/12 có cường độ 3,9 độ richter xảy ra vào chiều 20/5 tại Điện Biên là do dải đứt gãy địa chất dài hàng nghìn km gây nên.
Theo thống kê ban đầu, trận động đất này không gây thiệt hại về nhà cửa và các công trình trên địa bàn. Người dân sinh sống tại khu vực phường Thanh Bình, gần sân bay Điện Biên phản ánh, trận động đất đã gây rung lắc mạnh nhưng chỉ làm rơi vỡ cốc chén trên mặt bàn.
Còn tại khu vực Trung tâm TP Điện Biên Phủ, anh Hoàng Văn Thành cho biết, trận động đất khá bất ngờ khiến gia đình anh hốt hoảng chạy nhanh xuống tầng trệt để thoát thân. Riêng anh Thành đang cầm chiếc iPad đã suýt làm rơi. Trên tầng 3 nhà anh, đồ vật rung lắc và xê dịch.
Cơ quan chức năng qua kiểm tra cho biết, không có công trình xây dựng nào bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm quan sát địa chấn TP Điện Biên Phủ - Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất 3,9 độ richter xảy ra vào 13 giờ 10 phút ngày 20/5 là trận động đất có cường độ trung bình ở Điện Biên.
Hơn 30 năm trước, ngày 26/4/1983, tại huyện Tuần Giáo cũng đã xảy ra trận động đất cấp 9 có cường độ 6,7 độ richter. Thời gian đó, nếu quy mô xây dựng như bây giờ thì thiệt hại chắc chắn sẽ rất nhiều, nhưng lúc đó trên địa bàn Tuần Giáo chủ yếu là nhà thô sơ nên thiệt hại do trận động đất gây ra không nghiêm trọng.
Theo ông Sơn, địa bàn tỉnh Điện Biên nằm trên dải đứt gãy địa chất lớn, kéo dài từ TX Lai Châu cũ, nay gọi là TX Mường Lay qua TP Điện Biên Phủ, giáp dải đỉnh núi phía tây của lòng chảo Điện Biên. Những trận động đất xảy ra trên địa bàn do dải đứt gãy địa chất dài khoảng hơn 1.000 km này gây ra.
Ngoài TP Điện Biên Phủ, TX Mường Lay và huyện Tuần Giáo là 2 địa phương thường xuyên xảy động đất. Trung bình hàng năm Điện Biên xảy ra khoảng 2 - 5 trận động đất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, chỉ trong vòng 5 tháng trên địa bàn đã xảy ra 4 trận động đất.
“Những trận động đất có cường độ từ 2 độ trở lên con người mới cảm nhận được, còn trận nhỏ hơn thì chỉ có máy quan trắc rất nhạy mới cảm nhận được” - ông Sơn cho biết.
Quốc Cường - Xuân Thái