1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xác 30.000 con cá sông, cá đồng miền Tây được ngâm cồn cất trữ để làm gì?

Xác của 30.000 con cá sông, cá đồng miền Tây đang được ngâm cồn trong từng hũ, bảo quản cẩn thận tại Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.

Những xác cá sông này được thu về từ nhiều con sông lớn nhỏ ở ĐBSCL và được giảng viên nơi đây gọi là mẫu vật.

Xác 30.000 con cá sông, cá đồng miền Tây được ngâm cồn cất trữ để làm gì? - 1

Có khoảng 30.000 xác cá sông miền Tây đang được bảo quản tại Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây.

Ông Võ Thành Toàn - Phó Trưởng Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, khoảng 30.000 mẫu vật là cá sông, cá đồng miền Tây trên là của 500 loài cá khác nhau, bao gồm các loài cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

"Trong đó, có nhiều mẫu vật các loài cá quý hiếm hoặc những loài đang có nguy cơ bị đe dọa" - Phó Trưởng Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá nói.

Xác 30.000 con cá sông, cá đồng miền Tây được ngâm cồn cất trữ để làm gì? - 2

Để bảo quản lâu dài, xác cá sông miền Tây được để trong hũ với cồn 96⁰C. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Toàn, từ năm 2010 đến nay, số lượng mẫu vật là cá sông, cá đồng ở miền Tây được thu về Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ ngày càng nhiều.

"Con cá sông, cá đồng ở miền Tây sau khi bắt được sẽ ướp lạnh, chuyển về nơi bảo quản ở trường. Các mẫu vật đều được ghi chú khá chi tiết các thông tin như: nơi ở, thời điểm cá xuất hiện... Sau khi xử lý sơ bộ, các mẫu vật được cho vào hũ chứa cồn 96 độ", ông Toàn thông tin.

Ông Toàn cho biết, theo công nghệ của Nhật Bản, mẫu vật bảo quản được gần 100 năm. Tuy nhiên, với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, thời gian bảo quản xác cá sông có thể ngắn hơn.

Xác 30.000 con cá sông, cá đồng miền Tây được ngâm cồn cất trữ để làm gì? - 3
Xác 30.000 con cá sông, cá đồng miền Tây được ngâm cồn cất trữ để làm gì? - 4

Xác cá sông, cá đồng được bảo quản theo công nghệ của Nhật Bản. Ảnh: Huỳnh Xây

ĐBSCL có diện tích vùng ngập nước rộng nên nguồn lợi thủy sản rất phong phú, đa dạng, nhất là cá sông, cá đồng. Tuy nhiên những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, nguồn lợi thủy sản suy giảm một cách nhanh chóng cả về trữ lượng, chất lượng. Nhiều loại cá sông mà trước đây thường xuất hiện thì nay ít gặp hơn hoặc gần như không xuất hiện nữa.

Vì vậy, theo ông Toàn, việc bảo quản các mẫu vật này ngoài phục vụ công tác giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên, còn giúp ích cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học chuyên sâu.

Trong năm 2021, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) công bố báo cáo rất nhiều loài cá sông, cá đồng bị lãng quên, đặc biệt có đề cập đến việc 80 loài cá nước ngọt được liệt vào danh sách tuyệt chủng; cá tra dầu và cá hô khổng lồ được tìm thấy trên sông Mekong cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngoài ra, báo cáo này cũng cho biết, kể từ năm 1970, các quần thể cá nước ngọt di cư đã giảm mạnh 76%, các loài cá lớn suy giảm 94%, những con cá lớn (nặng hơn 30kg) đã bị xóa sổ ở hầu hết các con sông ở ĐBSCL...

Theo danviet.vn