1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Xã “phủi tay” sau sai phạm, dân “mỏi cổ” chờ tiền

(Dân trí) - Nằm trong diện ngư dân được nhận hỗ trợ tiền dầu của Chính phủ nhưng do tắc trách của cán bộ địa phương, người dân lâm vào cảnh khốn đốn trong suốt hành trình đi thưa kiện, đòi quyền lợi cho mình.



Xã “phủi tay” sau sai phạm, dân “mỏi cổ” chờ tiền  - 1

Ông An và đống giấy tờ thưa kiện đòi lại 12 triệu đồng mà xã đã trao nhầm cho người khác

 

Xã sai

 

Năm 2006, ông Nguyễn Văn An ở thôn Sơn Hải, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mua một con thuyền để đánh bắt hải sản trên biển. Ngày 23/7/2008, ông bán con thuyền này cho anh Nguyễn Xuân Thiên ở cùng thôn. Gần một tháng sau, ngày 18/8, ông An mua một con thuyền khác của người dân ở xã Sơn Hải cũng để đánh bắt hải sản.

 

Năm 2008, Chính phủ có quyết định số 289 hỗ trợ giá dầu cho ngư dân. Theo quyết định này, tàu thuyền dưới 40CV được hỗ trợ tối đa là 20 triệu đồng (4 triệu đồng x 5 chuyến đánh bắt). Ban thực hiện Quyết định 289 của Thủ tướng (gọi tắt là Ban 289) của xã Tiến Thủy được thành lập để hướng dẫn người dân làm thủ tục, kê khai số tàu thuyền trong xã để hưởng tiền hỗ trợ. Ông An cũng khai báo đầy đủ về thực trạng bán thuyền cũ, mua thuyền mới của mình cho Ban 289 của xã.

 

Xã “phủi tay” sau sai phạm, dân “mỏi cổ” chờ tiền  - 2
Đơn khiếu nại ông An gửi tới cơ quan chức năng cầu cứu

 

Tháng 11/2008, ông An lên xã nhận tiền thì tá hỏa vì chỉ được nhận 8 triệu đồng chứ không phải 20 triệu như ông tưởng. Lý do mà Ban 289 đưa ra là ông chỉ được hỗ trợ cho con thuyền mới mua, còn con thuyền cũ khai thác từ tháng 1 đến tháng 7 không được tính vì ông An đã bán cho anh Thiên và anh Thiên được hưởng quyền lợi này! Trong khi đó, dù chỉ có thuyền từ tháng 7/2008, nhưng anh Thiên lại được Ban 289 “phóng tay” cho nhận 20 triệu đồng.

 

Thấy trái khoáy vì không đúng với quy định theo Quyết định 289 nên ông An làm đơn khiếu nại gửi lên xã. Gần 5 tháng sau, ngày 27/4/2009, UBND xã Tiến Thủy ra kết luận số 45 về giải quyết đơn thư khiếu nại bác bỏ khiếu nại này và cho rằng ông An được hưởng số tiền 8 triệu đồng là “thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với ông”, đồng thời “kết tội” ông: “thiếu trung thực với chính quyền địa phương, vi phạm pháp luật về hành vi cố tình dựng hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền nhà nước”!

 

Sau đó ông An khiếu nại lên UBND huyện. Ngày 2/10/2009, UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận: ông An được hưởng 20 triệu đồng là đúng (trong đó con thuyền cũ 12 triệu đồng và thuyền mới 8 triệu đồng) và ra quyết định hủy bỏ quyết định ngày 27/4/2009 của UBND xã Tiến Thủy. Đồng thời yêu cầu UBND xã thu hồi số tiền 12 triệu đã “trao nhầm” cho anh Thiên về cho ông An. 

 

Dân khổ

 

Ông An cầm quyết định của huyện về xã xin nhận tiền nhưng năm lần bảy lượt đến xã đều phải về tay không vì “không còn nguồn nào!”. Ông An từng là Chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn, nhưng khi bị UBND xã kết luận là “vi phạm pháp luật vì cố tình dựng hồ sơ khống để chiếm đoạt tài sản nhà nước”, ông uất ức, tháng 5/2009 thì làm đơn xin nghỉ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Hoàng Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy - tự nhận đây là sai sót của Ban 289 và xã hiện đang “bó tay”. “Chúng tôi đã biết mình sai, muốn khắc phục nhưng rất khó vì Ban 289 của huyện, xã đều đã giải thể. Nguồn tiền hỗ trợ dầu đã hết từ lâu. Thu hồi tiền từ ông Thiên thì chưa được vì nhà ông này nghèo. Ngân sách xã thì đang số âm, nên chưa biết tính sao”.

 

Về phần mình ông An buồn bã: “Chuyện rất nhỏ và lẽ ra không thể sai sót, nhưng do cán bộ xã tắc trách nên hơn một năm nay tôi phải mất công chạy khắp để thưa kiện đòi quyền lợi cho mình. Xã còn kết tội cho tôi gian dối, chiếm đoạt tài sản nhà nước khiến tôi vô cùng khốn khổ. Bây giờ biết sai nhưng xã cũng im luôn, không thèm có lời xin lỗi, thông cảm gì cả”, .

 

Nguyễn Duy - Khánh Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm