1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xã khát bên cạnh sông Chu

(Dân trí) - Đã hơn 10 năm nay, hàng ngàn người dân xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa sống trong những “cơn khát” nước sinh hoạt, dù ngay cạnh họ là dòng sông Chu quanh năm đầy nước…

Xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) hiện có 720 hộ dân, với 3.320 nhân khẩu, được phân bố ở 5 thôn. Tuy là một xã nằm ven lưu vực hạ nguồn sông Chu, nhưng hơn 10 năm nay, năm nào hàng ngàn người dân trong xã cũng rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Có những thời điểm thiếu nước gay gắt.

Xã khát bên cạnh sông Chu
 Đã hơn hai tháng nay, ngày nào chị Sinh cũng phải đánh xe trâu đi xin nước về sinh hoạt.

Tại thời điểm này, do lượng mưa ít, trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài khiến 2/3 số hộ trong xã đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Những ngày qua, đến xã Thiệu Tân không khó để chứng kiến hình ảnh các bà, các chị gồng gánh đi xin nước về sinh hoạt, thậm chí nhiều gia đình phải dùng cả xe trâu đi chở nước về sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Sinh, ở thôn 3, than thở: “Gần hai tháng nay, gia đình tôi đã thiếu nước sinh hoạt. Ngày nào cũng vậy, phải có một người lo chuyện nước nôi. Ngày nào cũng đi xin nước thế này vất lắm. Nước tôi xin về chỉ để giặt, tắm, rửa, vì nước ô nhiễm, còn nước ăn, uống lại phải dùng bằng nước mưa. Nhưng thời gian gần đây không có mưa, nắng lại kéo dài nên nước trong bể cũng đang bắt đầu cạn, nếu thời tiết cứ như thế này thì sắp hết cả nước ăn rồi”.

Theo chân chị Sinh, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hà Văn Dũng, ở cùng thôn. Đưa tay chỉ về cái giếng, anh Dũng tâm sự: “Giếng này gia đình tôi đã khoan cách đây gần 10 năm, với độ sâu 40m, nhưng may mà nhà tôi nằm ở dưới chân núi nên giếng khoan mới có nước. Cả xóm có mình giếng nhà tôi có nước nên bà con trong thôn thường đến đây lấy nước về sinh hoạt. Có ngày lên tới 40 người đánh xe trâu, mang thùng phi tới xin nước. Nhưng nước giếng nhà tôi không dùng để ăn, uống được mà chỉ để tắm, giặt thôi, vì nước có vị mặn”.

Xã khát bên cạnh sông Chu
Thiếu nước nên nhiều gia đình phải bố trí hẳn một người để lo chuyện nước nôi.

Cái khó, ló cái khôn, để có nước sinh hoạt, gia đình ông Đỗ Đăng Vi, dùng máy bơm, hút nước từ rãnh lên tưới cho cây cối và diện tích đất xung quanh giếng đào, để nước ngấm xuống giếng rồi gia đình ông lấy nước ăn và sinh hoạt. “Chiêu” này có vẻ đỡ vất vả hơn, nhưng ông Vi phải làm thường xuyên như vậy và chỉ dùng được vài bữa lại phải hì hục bơm.

“Tôi có đào một cái giếng sâu 10m, nhưng cứ vào mùa này lại cạn không còn lấy một giọt nước. Vợ chồng tôi già yếu không đi gánh nước được nên đành phải dùng cách này để lấy nước sinh hoạt, vì gia đình cũng dùng hết ít nước nên mới dùng cái cách này được. Thời gian gần đây nắng nóng kéo dài nước rãnh cũng gần như bị cạn khô. Mới đây, tôi đã quyết định khoan giếng khác, nhưng giờ khoan được một cái giếng cũng phải tốn khoảng 40 triệu, vì máy khoan thông dụng không thể khoan được mà phải thuê giàn khoan của mỏ địa chất về mới khoan được”, ông Vi cho biết.

Xã khát bên cạnh sông Chu
Với độ sâu 10m, nhưng cái giếng khơi nhà ông Vi luôn trong tình trạng trơ đáy.

Xã khát bên cạnh sông Chu
Những máy khoan thông dụng không thể khoan được bởi lớp đá rất dày và cứng.

Theo người dân nơi đây cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Thiệu Tân là do nhiều thôn trong xã nằm quanh khu vực núi Đọ, rất hiếm nguồn nước ngầm. Hơn nữa, giếng khoan xuống độ sâu khoảng gần 10 m lại có một thềm đá, nên những máy khoan thông dụng không thể khoan được. Nhiều gia đình đã khoan đến mũi thứ 5 nhưng vẫn không có nước.

Nhiều giếng khoan chỉ dùng được một thời gian ngắn là lại cạn kiệt nước. Thời điểm hiện tại, để khoan và lắp hoàn chỉnh một giếng nước cũng phải hết hơn 40 triệu, với số tiền này thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để làm. Để có nước sử dụng, người dân nơi đây không còn cách nào khác là xây hệ thống bể chứa để hứng nước mưa. Nhưng lượng nước mưa cũng hạn chế, nên sau một thời gian, các hộ gia đình vẫn phải tay xách nách mang đi xin nước về sinh hoạt.

Ông Lê Xuân Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Tân cho biết: “Xã có 720 hộ thì có tới 70% số hộ hiện đang thiếu nước sinh hoạt, 30% còn lại có nước sinh hoạt nhưng không hợp vệ sinh, nước thường có lượng sắt rất lớn hay có vị lợ, mặn. Thiếu nước trầm trọng nhất là thôn 1, thôn 2 và thôn 5. Ba thôn này có gần 500 hộ với 2.700 nhân khẩu thì có tới 80% số hộ thiếu nước.

Xã khát bên cạnh sông Chu
Ông Lê Xuân Tuệ, cho biết đến thời điểm này đã có hơn 70% số hộ trong xã đang thiếu nước sinh hoạt.

Cả xã có gần 90% số hộ có giếng nhưng đến thời điểm này hơn 50% giếng đã cạn nước, các giếng còn lại phần lớn là bị nhiễm sắt, nhiễm mặn. Trước thực trạng này xã đã tuyên truyền, động viên các hộ tận dụng các vật chứa nước hay xây bể để hứng nước mưa phục vụ sinh hoạt”.

“Năm 2009, xã Thiệu Tân là một trong những xã nằm trong chương trình tài trợ của dự án ADB, xã đã nộp hồ sơ lên tỉnh, cuối năm 2011, Trung tâm nước sạch tỉnh đã về khảo sát làm hồ sơ, thế nhưng đến bây giờ vẫn đang đợi. Chính quyền địa phương rất mong các ban ngành cấp trên tạo điều kiện để dự án được triển khai, giúp nhân dân không phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt như hiện nay”, ông Tuệ cho biết thêm.

Hoàng Văn - Duy Tuyên