1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

VUSTA kiến nghị chưa thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội

(Dân trí) - Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) kiến nghị chưa thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội như đã trình. Cũng theo Liên hiệp, việc đề xuất làm đường Hồ Tây - Ba Vì còn thiếu căn cứ khoa học…

Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vừa có văn bản đóng góp ý kiến với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gửi Văn phòng Trung ương Đảng.

Giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ là không hợp lý

VUSTA cho rằng, quy hoạch xây dựng chung Thủ đô dài hạn tới năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trước hết phải trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện mới đang xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 vẫn chưa có, các quy hoạch ngành đã có nhưng đang được điều chỉnh sau khi sáp nhập vào Hà Nội toàn bộ Hà Tây và một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình.

Vì vậy Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được lập thiếu các căn cứ, khoa học từ các dự báo phát triển kinh tế, về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đến dự báo phát triển lĩnh vực xã hội về phát triển dân số, giáo dục, y tế, thể thao…
VUSTA kiến nghị chưa thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội - 1
VUSTA chưa "thông" nhiều điểm trong đồ án (Ảnh: Việt Hưng)

Từ đó dẫn đến định hướng phát triển, quy mô, tính chất về các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội… thiếu tính thuyết phục, thiếu khả thi và không có tính bền vững.

Về trung tâm hành chính, theo VUSTA đồ án sửa đổi lần này đã khẳng định Trung tâm Hành chính - Chính trị Quốc gia tại Ba Đình và một số địa điểm xây dựng trụ sở Bộ, Ngành gần trung tâm thành phố là hợp lý, nhưng vẫn đề xuất giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ là không hợp lý vì từ nay đến năm 2020 các bộ ngành đã ổn định, mặt khác với chính phủ điện tử chắc chắn chức năng quản lý nhà nước sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay.

Ba Vì là khu sinh thái lớn, lá phổi quý báu của Hà Nội, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, vì vậy cần phải gìn giữ, bảo vệ. Không nên dành quỹ đất ở đây cho việc xây dựng. Hà Nội mở rộng có diện tích rất lớn, vì vậy hoàn toàn có thể dự trữ đất xây dựng tại những khu vực khác

Về khu Tây Hồ Tây, VUSTA cho rằng, đây là yếu địa quốc gia cần được quản lý chặt chẽ, kế thừa ưu điểm của các đồ án quy hoạch đã nghiên cứu tránh tình trạng giao trắng cho người nước ngoài tự quyết các chức năng nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì.

Trục Hồ Tây - Ba Vì không còn lý do tồn tại

Về định hướng phát triển nhà ở, trong đồ án được xây dựng mới chỉ đề cập đến việc phát triển các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, khu vực phố cổ, khu phố bảo tồn.

Thiếu hẳn định hướng cải tạo, chỉnh trang đô thị nhất là ở các vùng ven đô, các làng xóm trong lòng nội đô, các khu ngõ ngách, phường làng, với dân số hơn 40% dân đô thị các khu nhà liền kề xây dựng lộn xộn.

Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bộ mặt đô thị, tổ chức không gian khu vực lõi Hà Nội thay đổi như thế nào chưa được phản ánh trong quy hoạch, nhất là các không gian cao tầng.

Về định hướng phát triển công nghiêp, VUSTA cho rằng, cần cân nhắc thêm. Hà Nội là nơi tập nhiều nhà khoa học, vì vậy cần tập trung phát triển công nghệ cao những ngành cần nhiều chất xám còn các ngành công nghiệp khác như may mặc, da giày nên dành cho các tỉnh, trung du, miền núi (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình…).
VUSTA kiến nghị chưa thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội - 2
Trục Hồ Tây - Ba Vì chưa nhận được sự đồng thuận (Ảnh: Việt Hưng)

Định hướng sử dụng đến 8000 ha cho 7 khu công nghiệp mới là quá lớn, vừa xâm phạm đến đất nông nghiệp làm mất an ninh lương thực vừa làm tăng mật độ dân số cơ học chất lượng không cao vào Thủ đô (Ví dụ, không nên xây dựng khu công nghiệp Thường Tín - Phú Xuyên vừa là vùng trũng, hơn nữa bên cạnh đó lại đã có khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam).

Về định hướng phát triển giao thông, việc đề xuất làm đường Hồ Tây - Ba Vì còn thiếu căn cứ khoa học nhất là khi chúng ta đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32. Trong khi dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở.

“Việc đặt vấn đề xây dựng đường Hồ Tây - Ba Vì đến Trung tâm Hành chính Quốc gia tương lai nay đã không còn lí do tồn tại, chưa nói đến việc gây lãng phí đất đai, không phù hợp với tổ chức giao thông và cảnh quan đô thị”, VUSTA nhận định.

Trên căn bản các ý kiến của các nhà khoa học, Liên hiệp hội Việt Nam kiến nghị, chưa thông qua “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” như đồ án đã trình. Cần hoàn chỉnh, bổ sung lấy ý kiến thống nhất để trình duyệt

Khi có đồ án chính thức đề nghị giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia làm một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập cho Đồ án (hiện mới chỉ có hai cơ quan phản biện nước ngoài).

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm