1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Vượt gần 30km để... xin nước sạch

(Dân trí) - Hàng ngày, hàng trăm hộ dân tại khu tái định cư Hói Trung (thuộc xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn phải ngược đường vài chục km về lại chỗ cũ lấy nước sạch để sinh hoạt bởi nguồn nước tại đây bị ô nhiễm nặng.

Theo kết luận các cơ quan chức năng, nguồn nước tại khu tái định cư mới của người dân Hương Quang có mức độ nhiễm sắt vượt quá 26 lần so với quy định. Thực trạng đáng lo ngại này đã tồn tại đây gần 1 năm qua.

Gần 1 năm sống chung với nước bẩn

Cứ vài ba hôm ông Nguyễn Quốc Lệ (khu 54, xóm Kim Quang mới) lại lỉnh kỉnh nào can nhựa, thùng nhựa chất lên xe máy để đi gần 30 km lên khu nhà cũ lấy nước sạch về uống. Nguồn nước hiện tại của gia đình ông quá hôi tanh nên không thể sử dụng. Việc duy nhất có thể dùng được nguồn nước này là tắm rửa, còn ăn uống nấu nướng thì không thể.

Nước rửa chè chuyển sang màu tím sẫm
Nước rửa chè chuyển sang màu tím sẫm

Được biết, gia đình ông chuyển lên khu tái định cư mới này từ tháng 8/2013; nước tại đây bơm lên có mùi tanh và hôi. Vừa bơm nước lên để chừng khoảng 2 - 3 phút là xuất hiện váng bùn bóng nhầy cả mặt nước.
 
“Khi chuyển lên đây gia đình tôi cũng sắm một ít đồ đạc mới để dùng, nhưng chỉ mới độ vài tháng là ngả sang màu ố vàng”, bà Lý chỉ vào chiếc thau nhôm ngả vàng cho hay.

Nước sinh hoạt của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh trong vài tuần.
Nước sinh hoạt của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh trong vài tuần.

Gia đình ông Lệ, bà Lý không phải là gia đình duy nhất tại đây phải chịu tình cảnh này.

Gia đình bà Nguyễn Thị Điểu (xóm Kim Thọ) là một trong những cư dân đầu tiên của khu tái định cư mới này cũng phải chịu cảnh “ép” nước bẩn để dùng. Đồ dùng phải tiếp xúc với nước chỉ được ít ngày là chuyển sang màu đen. "Cốc chén ngày mô cũng rửa mà cứ thâm xịt, một ngày có khi phải rửa đến 3, 4 lần", bà Điểu bức xúc. Con gái nhà bà Điểu là chị Nguyễn Thị Hạnh ở sát bên cạnh cũng chịu cảnh tương tự. Nước bơm dưới giếng lên mùi tanh không chịu nổi, nên gia đình chị Hạnh không dám dùng. Trong nhà có con nhỏ nên, vợ chồng chị Hạnh phải giải quyết nước sạch bằng cách mỗi tuần anh đi công tác ở Hồng Lĩnh thì kiêm thêm việc chở thùng nước hơn 20 lít về dùng. “Tui già rồi nhưng khổ cho các cháu, nước dùng phải tằn tiện, tắm cũng phải tắm nước bẩn. Lắm hôm tắm xong đen hết cả tay chân, không biết chúng toi còn phải chờ đến khi nào mới có nước sạch...”, bà Điểu lo lắng.

Một số hộ dân may mắn có nguồn nước sạch hơn so với những nơi khác, trở thành địa điểm “xin” nước sạch của bà con trong vùng. Tuy nhiên, những hộ dân này đang lo ngại bởi nhiều tháng nay, nguồn nước bơm không được đều đặn như trước. Bà Hồ Thị Dinh (xóm Kim Thọ) lo lắng: “Cứ 2 đến 3 tháng nay là nước nhiều khi bơm “tịt” hẳn. Bơm cả tiếng đồng hồ mà có được nủa chậu nhỏ. Nhà tui phải đặt mua hơn 100m dây để lấy nước từ khe suối vào nhà để lấy nước. Đáng lo là nước khe suối trong, ngọt nhưng lại là nơi trâu bò thả rông, nên nói là sạch thì chắc chắn là không".

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền và nhiều đoàn cơ sở kiểm tra đã sử dụng các loại thuốc để khử trùng nhưng biện pháp này vẫn đang tỏ ra bất lực trức tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng tại đây.

Bao giờ có nước sạch?

Dự án khu tái định cư Hói Trung được xây dựng cho 197 hộ dân ở xã Hương Quang di dời phục vụ cho công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Đến thời điểm hiện nay, tại đây đã có 137 hộ dân đến sinh sống từ tháng 6/2013. Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn khu tái định cư Hói Trung đang sử dụng 138 giếng khoan, trong đó có 3 giếng của tập thể, còn lại là của hộ gia đình. Tuy nhiên 2/3 số giếng đưa vào sử dụng bị ô nhiễm nặng.  Ông Lê Thanh Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Hương Quang cho biết: “Hiện toàn xã có đến 69 giếng bị ô nhiễm. Đặc biệt, có 51 giếng là bị nặng, có mùi hôi tanh, một số giếng bị khô nước”.

Pha nước chè vào, nước chuyển màu đen như mực
Pha nước chè vào, nước chuyển màu đen như mực

Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân về nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, huyện đã cho lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm tài nguyên môi trường. Kết quả cho thấy, nước bị nhiễm sắt vượt quá 26 lần so với mức quy định.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Hùng – phó trưởng ban Chuyên trách giải phóng mặt bằng công trình thủy điện Ngàn Trươi cho biết: "Trước khi xây dựng chúng tôi đã khảo sát nguồn nước. Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra 4 phương án là làm nhà máy nước, lấy nước tự chảy từ trong lòng hồ, đào giếng và cuối cùng là làm giếng khoan. Cuối cùng để đáp ứng nguyện vọng của người dân, đơn vị thi công quyết định chọn phương án khoan giếng. Sau đó chúng tôi hợp đồng với tư vấn khoan khảo nghiệm khi nào có nguồn nước mới thôi, bình quân là khoan trên 20m. Và thấy nước dùng tốt mới khoan đại trà. Khi khoan được 100 giếng thì thấy tốt sau này mới thấy phát sinh dần những giếng không có nước, với xuất hiện bùn nhưng tỷ lệ phần trăm thì khoan đến gần 170 giếng mới phát hiện ra có gần 50 giếng có dấu hiệu như vậy”.

Cũng theo ông Hùng cho biết, nguồn nước bị nhiễm bẩn này nếu khắc phục như thế này thì vẫn dùng được. Bởi khi đem mẫu thử cho Trung tâm y tế dự phòng để kiểm tra, sau khi để ngoài không khí thì thì khoảng 2h đồng hồ thì có thể sử dụng được, nó bay sắt đi (?).

Hơn 1 năm nay, hàng trăm hộ dân tại đây phải đối mặt với việc thiếu  nước sinh hoạt 
Hơn 1 năm nay, hàng trăm hộ dân tại đây phải đối mặt với việc thiếu  nước sinh hoạt 

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, ông Trần Ngọc Hùng cho biết: "Do ở dưới lòng đất nên rất khó để xác định. Hiện nay, chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh để xin cấp kinh phí hỗ trợ người dân dùng bể chứ nước mưa để dùng, về lâu về dài sẽ cho người dân dùng nước tự chảy từ lòng hồ thủy điện. Còn thời gian cụ thể thì chưa thể biết được vì chùng tôi cũng mới gửi kiến nghị, nên còn phải chờ trên phê duyệt".
 
Phượng Vũ