1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Vượt cổng trời về Mường trăm tuổi

(Dân trí) - Trong chuyến du hành miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi ghé vào thăm mảnh đất một thời được mệnh danh là “thủ phủ của cây thuốc phiện”. Mường Lống ấy nay đã thay da đổi thịt...

Vượt cổng trời về Mường trăm tuổi - 1
Nét đẹp thiếu nữ Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An 
Vượt Cổng trời

Từ thị trấn Mường Xén, phải vượt qua bao nhiêu đèo dốc chênh vênh một bên là núi, một bên là vực thẳm sẵn sàng nuốt bất cứ khách bộ hành nào non tay lái. Con đường đất đỏ bụi đến nỗi, mỗi khi có một chiếc xe ô tô chạy qua thì chỉ còn nước dừng xe và nhắm mắt lại.

Xuất phát từ sáng sớm nhưng khi đồng hồ đã điểm sang chiều, chúng tôi mới nhìn thấy một vùng mây phủ trắng và biết mình đã đặt chân tới Dốc Cổng trời. Tên gọi Cổng trời theo các già làng trong bản kể lại: từ xã Huồi Tụ muốn vào được Mường Lống phải đi lên một con dốc cao, ở trên dốc có một cái cổng rất nhỏ. Trên dốc cao này suốt bốn mùa mây phủ kín, trời âm u. Qua con dốc ấy đến bản Phà Sắc trời mới sáng trở lại. Qua Cổng trời là vào đất Mường Lống - vương quốc của người Mông.
 
Vượt cổng trời về Mường trăm tuổi - 2
Một góc Mường Lống hôm nay

Mường Lống được hình thành cách đây hàng trăm năm, do một nhóm người Mông trong quá trình di cư dừng chân mở đất. Những năm 80 của thế kỷ trước, đây là một vùng đất nghèo cằn cỗi, rừng núi hoang vu, đường đi lại chưa có, bà con phải dùng ngựa để gùi hàng.

Ông Và Chá Xà - cán bộ UBND xã Mường Lống - kể: Năm 1990, Nhà nước cho mở con đường huyện lộ từ Mường Xén vào Mường Lống, đồng bào không ai tin, rủ nhau chạy ra xem ô tô rồi há hốc mồm ngạc nhiên, vì không hiểu sao “nó” lại vào đây được.

Thậm chí có một bà từ Mai Sơn (Tương Dương) ra Mường Lống, thấy máy xúc múc đất làm đường thì quả quyết rằng “nó không phải người, nó không phải ma, cũng không phải là máy, nó là con rồng”. Nói vậy để thấy đất người Mường Lống xưa thiệt thòi và nguyên sơ thế nào; Mường Lống hôm nay đã đổi thay nhiều lắm.

Mường Lống, ngày mới!

Trước đây, nhắc đến Mường Lống người ta nghĩ đến "thủ phủ" của cây thuốc phiện. Đặc biệt là từ những năm 90 nhà nhà, người người trồng thuốc phiện, dân trồng thuốc phiện, cán bộ cũng trồng thuốc phiện, không chỉ bà con trong vùng mà đồng bào ở vùng khác cũng đua nhau đến vùng đất này trồng loài cây có màu hoa rất đẹp ấy. Mường Lống được coi là vùng đất trồng cây thuốc phiện tốt nhất, năng suất nhất ở Kỳ Sơn.
 
Vượt cổng trời về Mường trăm tuổi - 3
Theo mẹ lên rẫy

Thời bấy giờ, nếu đến miền rẻo cao này vào mùa xuân sẽ thấy một vùng trời ngập tím màu hoa anh túc. Có một điều lạ là bà con ở đây trồng thuốc phiện nhưng không mấy ai nghiện ma túy. Mùa trồng thuốc phiện bắt đầu từ tháng chín tháng mười, đến tháng ba năm sau thì thu hoạch. Thu hoạch xong có người đến tận nhà thu mua, đóng vào bao tải xếp lên lưng ngựa chở đi đâu bà con không ai rõ. Mỗi hecta cây trồng như vậy thu hoạch được từ 3-4 kg thuốc, mỗi kg bán được từ 4-5 triệu đồng (năm 1997).

Năm 1996 Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Ở Nghệ An, Mường Lống là điểm đầu tiên phải tiến hành chủ trương này. Cán bộ đi trước làm gương, rồi kiên trì vận động bà con nhân dân làm theo. Đến năm 1997, Mường Lống hoàn toàn sạch bóng cây thuốc phiện, thay vào đó là giống mận tam hoa và đào không hạt được đem về trồng.
 
Vượt cổng trời về Mường trăm tuổi - 4
Trẻ em Mường Lống giờ được học hành đầy đủ vào lớp đều đặn hơn

Đây là thời kỳ mà cuộc sống dân bản gặp rất nhiều khó khăn, vì xưa nay người Mông chỉ biết trồng thuốc phiện để bán lấy tiền, nay không trồng thuốc phiện nữa thì lấy gì ăn? Vì vậy công cuộc vận động bà con xóa bỏ thuốc phiện trồng các loại cây khác phải tiến hành hàng năm trời mới xong. Tuy nhiên nhờ chính sách đường lối đúng đắn của Đảng, không bao lâu sau các giống cây trồng đem lại hiệu quả. Nhất là từ năm 2005-2007 đời sống đồng bào nơi đây có nhiều đổi thay. Ngoài trồng cây ăn quả, bà con biết đầu tư chăn nuôi gia súc, trâu, bò, lợn đen, gà đen trở thành thế mạnh chăn nuôi của vùng.

Kể về những thay đổi của bản làng, ông Lầu Nhìa Hờ - cán bộ UBND xã Mường Lống - cho hay: “Mường Lống hôm nay đã đổi thay rồi, đồng bào chăm lo lao động, trẻ em được đến trường, dân bản yên vui no ấm. Cùng với đường lối chính sách của Đảng rọi đường, những cố gắng xây dựng và đổi thay cuộc sống của đồng bào Mông trên rẻo cao miền Tây xứ Nghệ đang ngày càng khởi sắc....”.

Lê Giang - Uyên Ly