Bình Định:

Vượt 1.000 km cứu 2 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm

(Dân trí) - Đội cứu hộ nhanh của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã gấp rút vượt 1.000 km cứu hộ cá thể tê tê Java và voọc chà vá chân xám, thuộc loài nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ.

Vượt 1.000 km cứu 2 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm - 1

Cá thể voọc xám, chưa tự ăn được, chỉ uống sữa.

Ngày 22/4/, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT), xác nhận đơn vị đã bàn giao 2 cá thể gồm: Tê tê Java và voọc xám, thuộc loài nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ cho Đội Cứu hộ nhanh của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW).

Theo ông Sau, cá thể tê tê Java, tên khoa học Manis javanica; thuộc loài nguy cấp quý hiếm, nhóm IB, có trọng lượng 0,5kg; tình trạng sức khỏe, con non chưa xác định giới tính, được ông Huỳnh Nhật Trịnh (ở Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn) tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thị xã An Nhơn, ngày 20/4.

Vượt 1.000 km cứu 2 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm - 2
Cá thể tê tê Java được người dân giao nộp

Sau khi Hạt Kiểm lâm thị xã An Nhơn tiếp nhận cá thể động vật rừng nói trên, do không có sở vật chất, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, cứu hộ cá thể nên phải chuyển giao cơ sở có chức năng tiếp nhận động vật rừng đảm bảo việc cứu hộ, nuôi dưỡng theo quy định.

Cùng ngày, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh (Bình Định) cũng tiếp nhận một cá thể voọc chà vá chân xám do ông Lê Văn Chuẩn (làng Suối Đá, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) tự nguyện giao nộp.

Cá thể voọc xám, có tên khoa học Trachypithecus crepusculus, thuộc loài nguy cấp quý hiếm, nhóm IB, trọng lượng 0,7kg; tình trạng sức khỏe con non, chưa tự ăn được, chỉ uống sữa.

Theo ông Hiệp, cá thể voọc này ông xin được của một người dân đồng bào thiểu số tại làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh trong quá trình đi làm nương rẫy đa bắt được và muốn giao nộp cho cơ quan chức năng để cứu hộ.

Vượt 1.000 km cứu 2 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm - 3
Người dân giao nộp các thể tê tê Java để cho cơ quan chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc.

Trước đó, nhận được tin báo từ Trung tâm giáo dục thiên nhiên và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định về việc 2 cá thể động vật quý hiếm được người dân địa phương tự nguyện giao nộp. Đội Cứu hộ nhanh của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã gấp rút di chuyển hơn 1.000 km để cứu hộ cá thể tê tê Java và voọc chà vá chân xám, thuộc loài nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ.

Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn từ xa cán bộ kiểm lâm chăm sóc cho các cá thể động vật nhỏ trong quá trình chờ được cứu hộ và thả về tự nhiên.

Cá thể tê tê được cứu hộ sẽ được chuyển về Trung tâm cứu hộ SVW tại Vườn quốc gia Cúc Phương, chăm sóc, phục hồi sức khỏe và tái thả lại vào tự nhiên. Cá thể voọc chà vá chân xám cũng được đưa về và bàn giao lại cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp thuộc Vườn quốc gia Cúc phương.

Khỉ mặt đỏ quý hiếm đã chết sau 1 ngày cứu hộ

Trước đó, báo Dân trí đã đưa tin, ngày 16/4, người dân thôn Đại Hòa, xã Nhơn Hậu phát hiện một con khỉ đang ăn xoài trong vườn gần nhà nên vây bắt và bàn giao cho Hạt Kiểm lâm thị xã An Nhơn, sau đó chuyển giao cho FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn chăm sóc.

Vượt 1.000 km cứu 2 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm - 4
Cá thể khỉ mặt đỏ nặng 14 kg đã chết sau khi được giao cho FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn chăm sóc

Con khỉ giống đực, nặng 14kg, loại khỉ mặt đỏ (có tên khoa học Macaca arctoides) thuộc loại nguy cấp, quý hiếm, nhóm IIB. "Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau khi bàn giao con khỉ mặt đỏ đã chết do có nhiều vết thương và bị ngộ độc thuốc nên khỉ đã chết", đại diện kiểm lâm tỉnh Bình Định cho hay.

Doãn Công