1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vướng lao lý, chủ doanh nghiệp mất trắng công ty

(Dân trí) - Công ty CP bất động sản Hải Phòng với phần lớn vốn góp của Nguyễn Đình Chiến rơi vào cuộc tranh giành quyền lực khi ông vướng "vụ án oan xuyên thế kỷ”. Sau 10 năm, nhiều oan trái mới được giải khi người chiếm công ty sắp bị đưa ra xét xử.

Công an Hải Phòng vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Hải Phòng (Công ty BĐS Hải Phòng) đề nghị VKS truy tố Phó Tổng giám đốc Nguyễn Sính và thủ quỹ Nguyễn Đức Hưng. Vụ án xảy ra từ 10 năm trước, như một chiêu thôn tính, “cướp trắng” một doanh nghiệp.

“Oan gia” khó gỡ

Công ty BĐS Hải Phòng thành lập đầu năm 1992, con dấu với tên viết tắt Vimproco. Đến 1995, số vốn góp của các cổ đông đã tăng trên 15 tỷ đồng, trong đó phần góp của ông Nguyễn Đình Chiến là 9 tỷ đồng, chiếm gần 60%. Ông Chiến được bầu làm Chủ tịch HĐQT sau đó.

Năm 1994, Vimproco có một thương vụ mua bán 9.000 tấn đường với Công ty Mekonimex Cần Thơ rồi rơi vào vụ án oan khi bị cáo buộc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt” hơn 40 tỷ đồng của công ty này.

Giam giữ, tù tội ngay đến cả khi phiên toà phúc thẩm lần thứ nhất được tuyên vô tội (năm 1999), ông Chiến được trả tự do nhưng vẫn “vật vã” trong vòng tố tụng cho tới năm 2006 mới hoàn toàn được minh oan.

Trong thời gian “lâm nạn”, nhiều cổ đông Vimproco cũng “quay lưng”, tính cách gạt người nắm cổ phần lớn nhất trong công ty ra khỏi doanh nghiệp của chính mình. Năm 1997, các cổ đông là ủy viên HĐQT gồm Đỗ Luyện, Nguyễn Sính - những người chỉ nắm giữ... 2% vốn điều lệ đứng ra tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường “phế truất” Nguyễn Đình Chiến.

Đại hội “chào hàng” HĐQT mới với Chủ tịch Đỗ Luyện, Tổng Giám đốc Nguyễn Sính. HĐQT mới quyết định tước cả tư cách cổ đông ông Chiến và trừ hết 100% vốn của “ông chủ” vướng lao lý này với lý do để chuyển vào số tiền ông Chiến nợ công ty.

Các cơ quan chức năng của Hải Phòng khi kiểm tra quá trình hoạt động của công ty đã phát hiện, khẳng định nhiều sai phạm của những người “soán ngôi”. Báo cáo kết quả kiểm tra tháng 12/2006 của đoàn kiểm tra liên ngành khẳng định, việc trừ vốn của ông Nguyễn Đình Chiến và một số cổ đông khác là vi phạm pháp luật.

Đại hội cổ đông cũng như HĐQT do nhóm ông Luyện, Sính tự tổ chức từ năm 1997 cũng bị các cấp toà xác định là không hợp pháp, tuyên bố huỷ bỏ. Tuy nhiên, nhóm cổ đông này không chấp hành bản án, vẫn tự ý dùng các chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và sử dụng con dấu có nhiều vi phạm để điều hành công ty, dẫn đến nhiều sai phạm, gây khiếu kiện kéo dài và hậu quả nghiêm trọng.

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện 4 vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, kiến nghị chuyển cơ quan CSĐT Công an Hải Phòng điều tra làm rõ.

Bỏ lọt tội phạm?

Bản kết luận điều tra mới hoàn thành gần đây của Công an Hải Phòng khẳng định căn cứ buộc tội với 2 hành vi sai phạm, đề nghị truy tố 2 nhân vật về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết luận điều tra, ngày 15/6/2005, để lấy vốn kinh doanh Công ty này ra nghị quyết về việc bán xe ô tô Toyota mang biển kiểm soát 16H-4646, với giá không dưới 550 triệu đồng. Khi đó Nguyễn Sính đã gặp ông Hoàng Trọng Quang (trú tại Trần Nhật Duật, Hải Phòng) thoả thuận bán xe với giá gần 570 triệu đồng, nhưng sau đó Công ty sẽ thuê lại chiếc xe này trong vòng 1 năm với giá 11 triệu đồng/tháng.

CQĐT xác định, thực tế bán xe được 570 triệu đồng nhưng vào sổ chỉ hơn 157 triệu đồng, còn trên 413 triệu đồng để ngoài sổ sách. Số tiền này được hợp thức hoá khi bị phát hiện bằng cách lập các tài liệu, chứng từ khống nộp lại vào công ty dưới hình thức ghi giảm nợ đối với Xí nghiệp xây lắp I.

Nguyễn Sính được xác định chiếm đoạt của Công ty hơn 400 triệu đồng. Thủ quỹ Hưng có vai trò giúp sức cho ông Sính thực hiện hành vi “móc quỹ” trên.

Cũng theo kết luận điều tra, năm 1995, ông Sính với tư cách là Giám đốc Xí nghiệp I được giao phụ trách tiến hành sửa chữa trụ sở công ty tại 15A Hoàng Diệu, quận Hồng Bàng đến tháng 12/1995 hoàn thành, Công ty đã thanh toán toàn bộ số tiền sửa chữa cho công trình này là gần 537 triệu đồng.

Nhưng cuối năm 2001, kế toán Trần Trọng Lương lại lập biên bản đối chiếu, kiểm kê, xử lý công nợ giữa công ty với xí nghiệp xây lắp, thanh toán lần 2 số tiền sửa chữa toà nhà cho xí nghiệp bằng cách đối trừ công. Ông Sính đã ký duyệt, lợi dụng quyền điều hành Công ty, chiếm đoạt gần 537 triệu đồng.

Tuy nhiên, liên quan đến việc bán xe, dư luận còn băn khoăn về việc “bỏ qua” vai trò của kế toán Trần Trọng Lương, Uỷ viên HĐQT Đỗ Luyện và một số người khác đã cùng với ông Sính ký vào các chứng từ, tài liệu khống.

Ông Đỗ Luyện cũng khai nhận được Nguyễn Văn Sính trao đổi về việc hoạch toán tiền bán xe ô tô thành tiền vay của xí nghiệp I để phục vụ cho việc thanh toán các khoản chi phí chưa có chứng từ hợp pháp, hợp lệ.

P.Thảo