Vườn thực vật Hà Nội - nơi hội tụ nhiều loài cây quý - đang bị “bỏ rơi”
(Dân trí) - Phải mất 16 năm, Vườn thực vật Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới được hoàn thành. Đây là công trình tâm huyết của các nhà khoa học, lãnh đạo TP Hà Nội qua các thời kỳ. Nhưng dường như khu vườn này lại đang bị “bỏ rơi” vì…thiếu kinh phí?
Trở lại Vườn thực vật Hà Nội sau 8 năm từ khi hoàn thành (năm 2009), ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam – “cha đẻ” của công trình này cho biết, hàng trăm loài cây trong vườn đã sinh trưởng và phát triển rất tốt, trong đó có nhiều loài cây quý, hiếm có trong sách đỏ Việt Nam.
Đây là cây Kim Giao mà vua chúa ngày xưa rất thích dùng gỗ cây này để làm đũa ăn, vì gỗ cây Kim Giao có khả năng phát hiện được một số độc tố trong thức ăn.
Cây Thông tre lá ngắn, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nhưng do không có kinh phí nên Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã “bỏ rơi” vườn này nhiều năm, không bố trí người chăm sóc, duy tu trong vườn.
Chính vì vậy, Vườn thực vật Hà Nội hiện nay giống như một khu rừng tự nhiên, điều này rất lãng phí và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều loài cây quý.
Vườn thực vật Hà Nội rộng 20ha, nơi hội tụ khoảng 400 loài thân gỗ, trong đó có nhiều loài quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam.
“Tôi trở lại đây sau 8 năm, rất mừng vì hàng trăm loài cây đã phát triển tốt. Tuy nhiên, tôi rất buồn vì công trình có giá trị như thế này lại không được thành phố quan tâm đúng mức. Phải có người chăm sóc thường xuyên, như chặt bớt những cây keo vì chúng che mất ánh sáng của các cây khác nên khó phát triển” – ông Xuân nói.
Ông Xuân cho biết thêm, mục tiêu ban đầu tư xây dựng Vườn thực vật Hà Nội là nhằm sưu tầm, bảo quản các loại thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân. “Mục tiêu ban đầu là thế, nhưng giờ đến chiếc biển hiệu của vườn cũng bị tháo xuống” – ông Xuân chia sẻ.
Nói về lịch sử hình thành Vườn thực vật Hà Nội, ông Xuân thông tin: Đây là công trình tâm huyết của nhiều nhà khoa học, trong đó có ông và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quát – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Ông Nguyễn Khánh Xuân: "Năm 2011, Vườn thực vật Hà Nội còn bị "đe dọa" chuyển đi nơi khác để xây dựng đô thị sinh thái với lý do là không có kinh phí duy trì vườn. Tuy nhiên, do bị phản đối nên vườn vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Nhưng không chăm sóc mà cứ để vườn như hiện nay thì rất lãng phí".
Theo ông Nguyễn Khánh Xuân, Việt Nam có 12.000 loài thực vật, trong đó loài thân gỗ chiếm 2/3 và đặc biệt có nhiều loài gỗ quý. Chính vì vậy, thế giới coi Việt Nam là quốc gia giàu đa dạng sinh học, trong đó thực vật là rất quan trọng.
Thời Pháp thuộc họ đã làm hai công trình để bảo tồn là Công viên Bạch Thảo (Hà Nội) và Thảo Cầm viên ở TPHCM, nhưng khi đất nước độc lập thì chưa có ai làm về vườn thực vật.
“Tôi làm nghề này nên tôi đã lên ý tưởng phải làm vườn thực vật để bảo tồn giống loài thực vật cho quê hương. Tôi nghỉ hưu là năm 1993, lúc này tôi bắt đầu làm. Đến khi kết thúc là năm 2009, tức là 16 năm.
Tại sao lâu thế, phải làm cho nhận thức của cán bộ và nhân dân thành phố hiểu được giá trị của công trình này. Xây dựng công trình này thì đơn giản về mặt xây dựng cơ bản, nhưng mà kiếm gần 400 loài thực vật vào đây thì vô cùng khó, vì phải đi khắp cả nước để sưu tầm về đây” – ông Xuân chia sẻ.
Vườn thực vật Hà Nội có ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, nếu nhiều loài cây quý hiếm trên rừng bị biến mất thì tại giống nòi của chúng vẫn còn ở vườn này và có thể nhân giống lên; Đây là nơi để các cơ quan nghiên cứu về cây, nơi cho sinh viên lâm nghiệp được trải nghiệm thực tế; Nếu làm đúng như mục đích ban đầu, đây còn là nơi du lịch sinh thái lý tưởng cho nhân dân; Đây là mô hình để nhân rộng, tìm ra những loài cây đẹp, cây có hiệu quả về kinh tế, cây đường phố.
“Hy vọng địa phương, UBND TP Hà Nội cần phát huy giá trị khu vườn này. Khách quốc tế không cần đi đâu xa, chỉ cần vào khu vườn này là đã được trải nghiệm hàng trăm loài cây. Tôi rất tiếc, đẹp như này mà chưa phát huy được” – ông Xuân nói.
Các lối đi trong Vườn thực vật Hà Nội đã xuống cấp, lá khô rụng xuống nhiều - tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.
Ngày 15/12/1997, ông Lương Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 1885/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư Vườn thực vật Hà Nội (xây dựng mới). Mục tiêu đầu tư xây dựng Vườn thực vật Hà Nội nhằm sưu tầm, bảo quản các loại thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân. Ba năm sau, ngày 8/12/2000, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn đã ký Quyết định số 6780/QĐ-UB phê duyệt bổ sung dự án đầu tư Vườn thực vật Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 24,3 tỷ đồng.
7 năm sau, đến ngày 3/10/2007, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố ký tiếp Quyết định số 3918/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án Vườn thực vật Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 15,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 15,48 tỷ đồng; vốn huy động gần 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Khoa học lâm nghiệp, dự án được bắt đầu thực hiện từ năm 1993. Ông cùng các nhà khoa học, các kỹ sư lâm sinh đã lặn lội đi mọi cánh rừng của đất nước để đưa về Vườn thực vật Hà Nội hàng trăm loài thực vật quý hiếm. Sau 16 năm xây dựng, công trình hoàn thành năm 2009 trong sự trân trọng của biết bao nhà khoa học lâm sinh.
Nguyễn Dương - Toàn Vũ