1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vườn thú Hà Nội có đóng vai trò “đồng phạm”?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển hổ quy mô lớn tại Hà Nội, chiều 9/1, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án và ra lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng chính trong vụ án này là Nguyễn Thuý Mùi và Trần Quốc Trượng.

Nguyễn Thuý Mùi và Trần Quốc Trượng bị bắt về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoanh dã, quý hiếm theo Điều 190 Bộ Luật Hình sự. Trước đó, tại cơ quan CSĐT, Nguyễn Quốc Trượng (SN 1964, ngụ tại phường Quang Trung, thành phố Hà Đông, Hà Tây) đã khai nhận, 2/4 con hổ đông lạnh đang bị thu giữ là mua từ Vườn thú Hà Nội vào nhiều thời điểm khác nhau. Trượng còn xuất trình được hóa đơn đỏ mua bán hổ với vườn thú cho cơ quan công an.

Về điều này, bà Hà Phương Linh, Phó phòng Kế hoạch - Vườn thú Hà Nội thừa nhận: vào tháng 11/2007, Vườn thú Hà Nội đã bán cho Nguyễn Quốc Trượng 1 con hổ có trọng lượng 39kg với giá 125 triệu đồng. “Đây là con hổ bị bệnh chết, vườn thú đã có đầy đủ các biên bản của cơ quan thú y, kiểm dịch chứng nhận”.

Theo bà Phương, trước đây, mỗi khi hổ chết, vườn thú thường nấu cao luôn nhưng sau này thì bán lại cho người có nhu cầu. Trước đó, vào năm 2002, vườn thú Hà Nội cũng đã bán cho Trượng 1 con hổ khác nặng 150kg với giá 150 triệu đồng.

Vườn thú Hà Nội có đóng vai trò “đồng phạm”? - 1

Hoá đơn đỏ mua bán hổ giữa Vườn thú Hà Nội và Nguyễn Quốc Trượng.

Vẫn bán vì không biết luật?

Để làm rõ hơn những vấn đề dự luận đặt ra, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đặng Gia Tùng - Phó giám đốc Vườn thú Hà Nội. 

Ông Đỗ Quang Tùng - Chánh văn phòng CITES, Bộ phận thường trực của cơ quan thẩm quyền Việt Nam trong việc thực thi Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cho rằng, thông thường khi các động vật quý hiếm chết thì phải tiêu huỷ hoặc để phục vụ công tác nghiên cứu. Việc bán, chuyển nhượng là sai với quy định của pháp luật. Sở dĩ liên tiếp các vụ buôn bán, nuôi hổ trái phép trong thời gian qua là do chúng ta chưa nghiêm trong việc xử lý.

Theo ông, việc làm đó được phép theo quy định nào của Nhà nước?

Tháng 11 năm 2007 bán một con và một con bán vào năm 2002. Việc bán xác hổ thực hiện theo quyết định số 1675 QĐUB ngày 5/5 của UBND thành phố Hà Nội, theo đó ngoài việc chuyển vườn thú Thủ Lệ thành một đơn vị sự nghiệp công cộng hạch toán kinh doanh, vườn thú được phép sau khi có ý kiến của Sở chủ quản về mua bán sang nhượng bán các sản phẩm trong quá trình nuôi dưỡng.

Nhưng thưa ông, quyết định này đã có từ trước khi Vườn thú Hà Nội được chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Và điều quan trọng hơn cả, Nghị định 32 của Chính phủ quy định các loại thú thuộc danh mục IA, IB là động vật hoang dã quý hiếm thì không được buôn bán dưới bất kể hình thức nào?

Về các văn bản pháp quy thì hiện nay lãnh đạo vườn thú chỉ dựa vào một quyết định này (Quyết định 1675 của UBND thành phố Hà Nội - PV)… Khi động vật chết rồi, ngoài việc mổ khám để xác định nguyên nhân chết, chúng tôi có 2 cách xử lý: 95% các mẫu động vật gửi sang bảo tàng sinh thái hiện thuộc hệ thống bảo tàng thiên nhiên quốc gia. Cách thứ hai là bán.

Chúng tôi nghĩ đó là tận thu cho cơ quan, tận thu nguồn đó được thành phố cho phép để dùng lại bổ sung kinh phí mua các động vật khác chứ không được sử dụng vào mục đích khác… Cái đó có thể chưa đúng theo quy định nào thì tôi chưa rõ nhưng mục đích là tận thu cho cơ quan chứ không thất thoát đi đâu hết, cũng hoàn toàn không vì mục đích tư lợi.

Như vậy ông khẳng định rằng: chưa biết có thông tư nghị định nào liên quan đến việc này, đúng không?

Vâng.

Nhưng theo ông, việc thực hiện như thế có đúng pháp luật hay không?

Quan điểm của tôi là: đây không phải là động vật hoang dã mà là thế hệ F2, theo quy định của phát luật Việt Nam thì từ F2 có quyền trao đổi, nhượng bán.

Vườn thú Hà Nội có đóng vai trò “đồng phạm”? - 2

Biên bản tổ chức đấu thầu bán xác hổ

 Vậy với con hổ Vườn thú đã bán năm 2002, con đó là đời “F” mấy?

Con đó thì thế này… thực sự không phải là F2 mà là… F1.

Thưa ông, con hổ bán năm 2002 là con thuộc hệ F1, không phải là sản phẩm dư thừa, mới sinh sản theo như các trường hợp được quyền bán, nhượng tại quy định 1675 của UBND thành phố, tại sao Vườn thú lại bán?

Đúng là như vậy nhưng bây giờ mọi người thử nghĩ, giữa việc tận thu lại để đầu tư lại với việc sẽ chuyển sang bảo tàng, thịt da vất đi…

Nhưng đã là cơ quan nhà nước thì càng phải tuân thủ nghiêm quy định của nhà nước, chưa nói đến các quy định cấm buôn bán động vật hoang dã?

Đúng, trên quan điểm như thế thì rất rạch ròi, nếu đặt vào vị trí của mình giữa một đằng là các quy định được làm hay không được làm với một đằng là con hổ đã chết do bệnh tật thì mọi người cân nhắc như thế nào. Cần tuỳ vào từng vào tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể… Nếu biết là sai pháp luật mà cố tình vi phạm là khác. Nhưng với việc tôi chưa biết hết luật lại là việc hoàn toàn khác.

Vậy thưa ông, những người buôn bán hổ nấu cao, họ cũng là buôn bán những con hổ đã chết rồi mà họ vẫn bị bắt như thường?

Việc bị bắt đi tù thì… (im lặng) còn việc trong cơ quan thì đặt mình trong vai trò người quản lý tại cơ quan, mình giải quyết trong phạm vi mình hiểu biết.

Rất cảm ơn ông!

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm