1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vùng quê nghèo sản sinh nhiều giáo sư, tiến sĩ

(Dân trí) - Sau khi những "hoa văn lạ" trên sân chùa Đông Sơn (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) đã được lý giải, chúng tôi lại phát hiện mảnh đất Tân Sơn cạnh chùa hơn một trăm năm nay đã nổi danh là vùng đất học.

Mảnh đất thuần nông hiếu học
 
Thôn Tân Sơn vốn có nguồn gốc từ vùng đất Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1897, do cuộc sống bị chèn ép cực khổ trăm phần, một bộ phận người dân vùng Tam Sơn đã chuyển cư lên lập ấp tại vùng bạt ngàn cỏ gianh là mảnh đất Tân Sơn ngày nay.
 
Đất lành chim đậu, người dân Tân Sơn cứ thế sinh sôi nảy nở. Mỗi một đứa bé sinh ra đã mang trong mình đức tính cần cù chịu khó, hiếu học của cha ông. Khi cách mạng nổ ra, mảnh đất này nhanh chóng là căn cứ địa cách mạng vững chắc của các đống chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế...

  

Với hơn 100 năm lịch sử, trải qua nhiều thế hệ, Tân Sơn trở thành vùng đất học, là nơi sản sinh cho đất nước biết bao thế hệ hiền tài. Thế hệ cha anh có PGS.TS Ngô Văn Hiệu, nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Mẫu giáo TW; Thạc sĩ Ngô Đức Dương, công tác tại viện Nông nghiệp Việt Nam, là người tạo ra giống đỗ tương DH4 đã được ứng dụng trên toàn quốc; PTS luật học Ngô Đình Trấn hiện công tác tại Tòa án tối cao; TS Ngô Sách Vinh, công tác tại Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bắc Giang… Ngày nay, thế hệ trẻ Tân Sơn không ngừng thi đua nhau học tập. Năm nào thôn cũng đều đặn có hàng chục em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; thôn chỉ chừng 400 nóc nhà mà hiện có đến 200 em đang là sinh viên học khắp cả nước.

Vùng quê nghèo sản sinh nhiều giáo sư, tiến sĩ - 1

Bác Ngô Minh Giang, một người cha có nhiều người con thành đạt. (Ảnh Thế Cường)

Chúng tôi ghé thăm gia đình bác Ngô Minh Giang tại thôn Tân Sơn. Bác là một người lính xuất ngũ về quê, bác gái là giáo viên đã nghỉ hưu. Gia đình bác có 6 người con đều có trình độ đại học. Nhiều người con của bác đang giữ những chức vụ quan trọng tại tỉnh nhà như chị Ngô Thị Minh Hiệp, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, hiện công tác tại Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang; anh Ngô Minh Hạnh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, công tác tại Phòng Nội vụ huyện Lạng Giang; anh Ngô Minh Hoàng tốt nghiệp Hhọc viện Khoa học kĩ thuật tên lửa... 

 

Nhắc đến các con, bác Giang không giấu được niềm tự hào: “Ngày tôi xuất ngũ về quê, nhà có mấy sào ruộng cực nhọc vô cùng. Nhưng cùng với những người dân trong làng, chúng tôi luôn quan niệm phải hi sinh tất cả cho việc học tập các con vì chỉ có học hành tử tế mới nên người và thành đạt”.

 

Giáo dục là quan tâm hàng đầu, tri thức mở ra mọi cánh cửa

 

Tại thôn Tân Sơn, mỗi một dòng họ trong làng đều có quĩ khuyến học riêng, hàng năm trao phần thưởng cho các em là học sinh giỏi các cấp và thi đỗ vào các trường cao đẳng đại học như dòng họ Ngô Sách, Ngô Đức...

  

Những người con của Tân Sơn từ nhỏ đã được đắm mình trong sự hồn hậu của quê hương, được nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người. Trong tâm thức của họ, dù đi đâu vẫn không quên nơi chôn rau cắt rốn. Chính họ là những người đã góp tiền tôn tạo lại các công trình đình chùa, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm và đóng góp trực tiếp vào các quỹ khuyến học của dòng họ.

  

Nói về sự học của vùng quê nghèo này, ông Nguyễn Sơn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh - niềm nở chia sẻ: Những năm gần đây, xã Tân Dĩnh đã có những cố gắng vượt bậc trong công tác giáo dục. Hiện toàn xã có 3 trường học từ mầm non đến THCS. Đáng chú ý, cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 và nhiều năm liền đạt danh hiệu lá cờ đầu trong giáo dục của huyện Lạng Giang.

Vùng quê nghèo sản sinh nhiều giáo sư, tiến sĩ - 2
Học sinh nơi chốn nghèo Tân Sơn luôn cùng nhau thi đua để có tương lai tốt đẹp
Trao đổi về chủ trương đầu tư cho giáo giục tại địa phương, khuôn mặt ông phó chủ tịch xã phấn chấn: “Địa phương của chúng tôi thực hiện theo đúng nghị quyết TW5, khóa 8 của Đảng đầu tư cho giáo dục là đầu tư hàng đầu và tri thức là chìa khóa mở mọi cánh cửa thành công. Hàng năm xã đều chi một lượng ngân sách địa phương đáng kể để khen thưởng những học sinh và tập thể có thành tích”.

  

Với xã Tân Dĩnh, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho thành công trong sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Làm sao để xây dựng một hệ thống giáo viên phù hợp với trường chuẩn quốc gia, những thiếu thốn kinh phí để nâng cấp xây dựng trường và cơ sở vật chất trong dạy học vẫn là những trăn trở và mong muốn của những người nông dân chốn quê nghèo nơi đây.

  

Kết thúc buổi trò chuyện, ông Hà khẳng định: Dù những khó khăn trước mắt đang hiện hữu nhưng với sự cần mẫn, nỗ lực của người dân nơi đây, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình cho sự nghiệp giáo dục địa phương để xứng đáng danh hiệu vùng đất học với khẩu hiệu được đề ra: “Người người - nhà nhà - thôn thôn - xóm xóm thi đua học tập. Có học thì mới có tri thức, có tri thức sẽ mở ra những cánh cửa thành công”.

 

Thế Cường