Vụ Chìm tàu làm 4 người chết:

Vùng nước cạn ở cửa biển Thuận An cực kỳ nguy hiểm

(Dân trí) - "Biển chỗ nào cạn thì sóng lớn mà cửa Thuận An là nơi tiêu biểu. Năm nào ở đây cũng có vài vụ thuyền bị lật...", Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế trao đổi sau vụ tàu cá bị lật làm 4 người chết.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế - người chỉ huy cuộc cứu nạn tàu cá bị đắm ở cửa biển Thuận An khi đang trên đường vào bờ đã có cuộc trao đổi nhanh với PV Dân trí qua điện thoại.
 
Hiện đã có nguyên nhân ban đầu về vụ việc chìm tàu, thưa Thượng tá?

Khi thuyền vào cửa Thuận An sáng 18/1, lúc ấy khu vực này rất cạn và sóng lớn, dù đi bên ngoài thì bình thường. Tàu đi vào sóng lớn nên như gặp chướng ngại vật, bị chết máy ngay lúc đó. Có thể do chết máy giữa chừng, hoặc sóng hất vào khoang gây chết máy, hay người lái đạp đề ba đột ngột đã gây ra chết máy. Hiện chúng tôi đang làm rõ.

Khi tàu đã bị chết máy thì sau vài phút, sóng hất làm cho tàu xoay theo hướng nằm ngang với sóng. Sóng mạnh dội vào làm tàu bị lật úp. Sau đó sóng tiếp tục đánh tan tàu. Các vụ việc tàu bị chết máy đều hay diễn ra như thế.

Vùng nước cạn cực kỳ nguy hiểm nơi cửa biển Thuận An

Chiếc tàu cá xấu số TTH-26669 được kéo vào bờ chiều 18/1 khi bị đánh tan tác gần hết, chỉ còn lại phần mũi tàu

Khu vực cửa Thuận An thường nguy hiểm với tàu bè, thưa ông?

Cửa Thuận An hay cạn, luồng nước hay thay đổi, khá nguy hiểm. Mùa nào cũng có lúc cạn nhưng về mùa hè nếu cạn, người ta dễ nhận ra luồng hơn vì sóng ít, còn về mùa này khi cạn thì khó phát hiện ra luồng vì nước đục, sóng lớn.

Luồng ra vào ở cửa Thuận An rộng bao nhiêu?

Chỉ vài trăm mét, khá hẹp

Vùng nước cạn cực kỳ nguy hiểm nơi cửa biển Thuận An

Vùng cửa biển Thuận An ở phao số 1 - nơi tàu gặp nạn cực kỳ nguy hiểm khi ngày 18/1 sóng rất lớn và nước cạn làm cứu hộ rất khó khăn khi đến hiện trường

Trước đây đã từng xảy ra những vụ việc tương tự ở đây chưa thưa Thượng tá?

Cũng có một số vụ mấy năm trước. Lực lượng biên phòng cửa khẩu biển Thuận An rất vất vả về việc này. Người ta đứng trong bờ nhìn ra thấy tàu bè đi bên ngoài làm ăn, muốn thuyền mình ra, nhưng lúc biển cạn, sóng lớn thì biên phòng phải ngăn bà con lại. Thế là bà con kéo lên đồn, kiện cáo, nói sao không cho ra biển. Không cho ra thì bà con phản ứng, và sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Biển chỗ nào cạn thì sóng lớn mà cửa Thuận An là nơi tiêu biểu. Cửa Thuận An năm nào cũng có vài vụ thuyền bị sóng đánh lật.

Nhưng vụ việc để chết 4 người như vừa qua là nặng nề nhất?

Đúng vậy, đây là sự việc khiến nhiều ngư dân tử vong nhất. Những lần trước đều cứu được. Có thể người thuyền trưởng đi sai luồng. Hơn nữa có thể chủ quan khi gặp sự cố, phát tín hiệu không kịp thời. Hay khi sự cố xảy ra thì tự khắc phục, đến khi thuyền bị đẩy vào chỗ cạn thì các lực lượng tiếp cận không được. Vì tàu biên phòng không thể vào chỗ cạn được. Nếu thuyền bị ngoài chỗ sâu thì tàu biên phòng ra cứu người ngay lập tức, sau đó sẽ cứu hộ tàu bị nạn sau. Nhưng chỗ tàu cá bị ở đây tàu biên phòng lẫn tàu ngư dân và các tàu khác đều không thể tới được dù chỉ cách 1km.

Video cửa biển nguy hiểm Thuận An đã cướp đi mạng sống 4 ngư dân:


Xin Thượng tá cho biết quá trình ứng cứu khẩn cấp của lực lượng biên phòng khi vừa xảy ra sự cố?

Khi nhận tín hiệu vào lúc 7h30’ sáng, chúng tôi triển khai ứng cứu ngay. Đầu tiên nhận định sự việc, khảo sát vị trí, mức sóng, sự an toàn khi cứu hộ. Tiếp theo là huy động phương tiện ngư dân do tàu ngư dân phù hợp với mép nước thấp nên ra được, còn tàu biên phòng không ra chỗ cạn được. Vì biên độ âm mặt nước chỉ khoảng hơn 1 mét mà tàu biên phòng phải cần biên độ lên đến 2-3 mét trở lên mới chạy được. Đến 9h chúng tôi cứu được Thuyền trưởng Hiền. Sau 3 tiếng nữa thì tìm thấy xác 3 ngư dân với 2 người trôi về bãi biển Hải Dương bên cạnh, 1 người ở trong xác thuyền đắm.
 
Qua vụ việc, lực lượng Biên phòng có những cảnh báo nào với ngư dân ở đây?

Phải đảm bảo an toàn khi ra biển. Các phương tiện phải đầy đủ như áo phao, phao cứu sinh. Nếu thấy biển động không an toàn thì không nên đi. Nhưng mùa biển động thì hay có cá nhiều, bà con ham nên hay đi.

Các ngư dân trên chiếc thuyền bị nạn đó có mặc áo phao. Nhưng khi tàu bị lật, áo phao họ mặc bị mắc vào lưới trên tàu nên phải cởi ra để bơi. Sau một lúc bơi thì đuối sức vì lạnh, sóng đập rất mạnh.

Tàu cá bị đánh tan tác bởi sóng dữ dù chỉ cách bờ đúng 1km
Tàu cá bị đánh tan tác bởi sóng dữ dù chỉ cách bờ đúng 1km

Qua câu chuyện này, ông thấy cần đề xuất gì về phương tiện cứu hộ thêm cho Biên phòng?

Cần có tàu cứu hộ chuyên dụng. Nước cạn như vừa rồi với độ sâu hơn 1 mét thì có xuồng cao su gọn nhẹ có thể ra được. Nhưng xuồng cao su cũng khó vì khi gặp sóng cuộn gần bờ rất khó ra, chỉ sóng lượn là dễ ra ứng cứu ngay lập tức. Có một phương tiện rất hữu hiệu là súng bắn dây. Với khoảng cách 1 km thì bắn ra là có dây cho ngư dân bám vào. Hoặc khi có dây bắn ra rồi, chúng tôi sẽ chuyển phao ra theo dây “mồi” này. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa được trang bị loại súng chuyên dụng hữu hiệu có thể ứng cứu cho ngư dân.
 
Qua tìm hiểu của PV, 2 tàu cá đi trước tàu cá gặp nạn, khi thấy thuyền bạn đã bị chìm thì quay trở lại nhưng cũng không thể nào tiếp cận tại vùng sóng lớn, biển cạn ở gần phao số 1. Quan sát vào chiều 18/1, chúng tôi thấy vị trí nguy hiểm trên khá đặc biệt khi một vùng chỉ vài cây số vuông nhưng nước cuộn đục ngầu, nhiều con sóng đánh với cường độ lớn, màu sắc nước nâu đen khác với màu sáng hơn nhiều so với xung quanh. Trong khi ngoài vùng này, nước gần như lặng im rất dễ đi lại. Theo lời 1 chiến sĩ biên phòng, các ca nô cứu hộ cũng chỉ dám đi ngoài, nếu lao vào vùng nước trên có thể bị lật úp ngay tức khắc.
 
Vùng nước cạn ở cửa biển Thuận An cực kỳ nguy hiểm
 
Vùng cửa biển cạn và sóng lớn với diện tích nhỏ vài cây số vuông, đã là nơi mà nhiều tàu thuyền ngư dân Thuận An gặp nạn. Trong ảnh (thời điểm chụp chiều 18/1) nước rất cạn rút xa bờ hơn 50m.
 

Đại Dương (thực hiện)