Vùng đất “Đế vương” dưới mực nước biển
(Dân trí) - Người Yên Hưng, Quảng Ninh trào lộng bảo vùng đất trũng âm khoảng hai mét dưới mực nước biển - đảo Hà Nam - là đất “Đế vương” bởi bao bọc cả bốn bề đảo là đê sông, đê biển. “Đế vương” là nói lái của vướng đê mà ra.
Chuyện xưa kể rằng vào năm 1434, có 17 người phiêu dạt từ phủ Hoài Đức thành Thăng Long tìm đến một “đượng đất” vùng cửa sông Bạch Đằng, quai đê lấn biển lập ra xứ Bồng Lưu nay là đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Từ một cù lao lau sậy của gần 600 năm về trước, Hà Nam giờ có 8 xã với chừng 6,5 vạn dân và 34 km đê biển. Nếu cứ men theo đê mà đi một vòng quanh đảo mới thấy hết công sức lớn lao của tiền nhân đã bỏ ra cho vùng đất này, Hà Nam trù phú tốt tươi dọc ngang kênh rạch là vùng đất nằm âm hai mét dưới mực nước biển.
Đang bắt cá trong đầm, Đỗ Văn Đạt ở xã Tiền Phong dừng tay nói chuyện với khách. Hai hecta đầm nằm sát chân đê mỗi năm cho anh hơn chục triệu tiền cá tôm. Không có vốn, Đạt chỉ bỏ công sức ra để nuôi cá “trời”, những thứ cá từ sông rạch năng suất thấp nhưng ngon từ cái xương dăm. Đạt tâm sự: “Tôi mong được nhà nước cho vay chừng ba mươi triệu để nuôi lợn, vịt kết hợp thả thêm vài trăm con cá vược là có thể làm giàu. Nghĩ ra thế mà không biết làm cách nào để vay vốn đây”. Tính toán của Đạt không phải là không có cơ sở, bởi nơi đây được coi là vựa lúa, vựa cá của tỉnh Quảng Ninh.
Ngay cửa sông Bạch Đằng phù sa vẫn đang bồi tụ thêm một hòn đảo nhỏ, người dân đấu thầu lập đầm nuôi cá tôm mà mỗi lần thu hoạch lên tới cả trăm tấn. Men theo hai bên bờ đê là những đầm, ao nuôi tôm cá nước ngọt và mặn rộng mênh mông, những rừng cây ngập mặn ven biển xanh ngút tầm mắt.
Là vùng đất thấp trũng nên Hà Nam chằng chịt kênh rạch như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân đi lại trên những con thuyền nan hai mái. Nghề làm thuyền phát triển và được gìn giữ như vốn truyền thống văn hóa của đảo.
Hà Nam còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống hơn bất cứ nơi nào trên đất Quảng Ninh. Có tới 130 Di tích Lịch sử và Văn hoá như hệ thống đình chùa, đền miếu, nhà thờ tổ các dòng họ; nhiều lễ hội, nhiều vốn văn hoá dân gian, phong tục tập quán của làng Việt cổ liên quan đến các trang sử quốc gia và thành Thăng Long xưa vẫn đang được duy trì. Đình Phong Cốc, đình Yên Đông, đình Vị Dương là những ngôi đình cổ lớn và đẹp bậc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay hàng chục dòng họ sinh sống trong cộng đồng hầu hết đều có nhà thờ riêng, trong đó có 21 nhà thờ được cấp Bằng Di tích Quốc gia.
Tôi đi thăm bãi cọc Bạch Đằng lịch sử. Người đàn ông đi thả lưới trong ruộng lúa chỉ xuống dưới chân bảo những cọc gỗ của ba lần thắng giặc của Ngô Quyền năm 938; Lê Hoàn năm 981 và của Trần Hưng Đạo năm 1288, vẫn nằm ẩn mình đây đó. Tỉnh, huyện đã không cho một dự án đóng tàu xây dựng ở đây bởi họ bảo phải giữ lại bãi cọc này để con cháu sau này biết đến tổ tiên, những người đi mở đất và giữ đất.
Đó mới thật là cách nghĩ của người đất “Đế vương”.
Phù sa tươi đỏ của Bạch Đằng Giang vẫn ngày bồi đắp thêm những bờ bãi mới bên ngoài đê.
Anh Đỗ Văn Đạt mơ ước sẽ làm giàu từ đầm lầy lau lách.
Những nhà thờ họ được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia ở Hà Nam ghi công những người đi mở cõi.
Nghề làm thuyền nan phục vụ cho việc đi lại trên kênh rạch chằng chịt.
Phong cảnh ở Hà Nam rất gần với miền sông nước Nam bộ.
Một con thuyền được tời kéo vượt qua đê để ra ngoài sông lớn.
Những người thợ ở một xưởng đóng tàu trên sông Chanh, một nhánh của sông Bạch Đằng.
Nhờ hệ thống kênh mương thau chua rửa mặn mà đảo Hà Nam là vựa lúa lớn của tỉnh.
Không thể nhận ra nơi đây là một vùng thấp hơn khoảng 2 mét so với mực nước biển.
Những cánh rừng ngập mặn ngoài đê là nơi nuôi tôm cá.
Một chiếc thuyền được kéo lên bờ sửa chữa.
Phiên chợ quê họp cạnh một con kênh.
Đình Phong Cốc cổ kính là trong những ngôi đình đẹp nhất miền bắc.
Những mùa xuân thịnh vượng đến với dân cư trên đảo…
Chiều về trên bến sông Bạch Đằng lịch sử.
Phút thảnh thơi trên cánh đồng xã Liên Vị.
Sau gần 600 năm, vùng đất trũng Hà Nam đã “ cao” hơn mực nước biển do công sức của nhiều thế hệ.
Lê Anh Tuấn