1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Trăn trở với “trào lưu ly hôn”

(Dân trí) - “Số vụ ly hôn gia tăng nhiều ở Cương Gián khiến tôi thực sự rất trăn trở. Tôi thấy xót thương cho những cảnh đời, những đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi, tổn thương tâm lí khi hôn nhân của bố mẹ bị đổ vỡ…".

Đó là tâm trạng của bà Dương Thị Hằng- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh trong cuộc làm việc với PV Dân trí về "trào lưu" ly hôn của các cặp vợ chồng đi xuất khẩu lao động ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân.

Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Trăn trở với “trào lưu ly hôn” - 1

Bà Dương Thị Hằng trả lời phỏng vấn PV Báo Dân trí chiều ngày 22/4.

- Bà có theo dõi loạt bài phản ánh của Báo Dân trí về những vấn đề sau làn sóng xuất khẩu lao động ở Cương Gián, mà điều đáng lo ngại nhất là tình trạng ly hôn gia tăng ở đây hay không?

- Mấy hôm nay dù rất bận với công việc, nhưng tôi đã cố gắng xem hết các bài viết nói trên. Có bài tôi đọc kỹ, ghi chép các thông tin cụ thể mà bài báo nêu ra.

Trước hết tôi phải dành lời cảm ơn đối với báo Dân trí đã đi sâu tìm hiểu, phản ánh sâu nhiều góc, nhiều vấn đề nảy sinh, những hệ lụy từ làn sóng xuất khẩu lao động tại địa phương này.

- Bà nhìn nhận như thế nào về tình trạng ly hôn gia tăng ở Cương Gián mà như cán bộ cấp dưới của bà gọi đây đã là “một trào lưu”?  

- Phải nói dù trong một số trường hợp ly hôn là cần thiết để đảm bảo quyền tự do trong hôn nhân và củng cố hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Tuy nhiên, số vụ ly hôn gia tăng nhiều ở Cương Gián khiến tôi thực sự rất trăn trở.

Rõ ràng tình trạng ly hôn như thế sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những người thân, đặc biệt đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là con cái của họ.

Tôi thấy xót thương cho những cảnh đời, những đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi, tổn thương tâm lí khi hôn nhân của bố mẹ bị đổ vỡ. Những đứa trẻ không được nuôi dạy chu đáo, thiếu tình cảm của bố và mẹ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lí, tương lai của các cháu sau này.

Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Trăn trở với “trào lưu ly hôn” - 2

Hai trong rất nhiều đứa trẻ ở Cương Gián sớm sống cảnh bố mẹ chia lìa. 

Rồi sẽ không tránh khỏi con cái của những cặp vợ chồng sau khi ly hôn có biểu hiện lệch lạc, sa ngã. Điều làm chúng ta lo lắng nhất là chỗ đó.

Hôn nhân của các cặp vợ chồng tan vỡ còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến địa phương, xã hội, để lại nhiều hệ lụy đau buồn.

- Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng lo ngại này?

- Rất dễ nhận thấy là hầu hết các cặp vợ chồng đổ vỡ thường có tổ ấm hạnh phúc, gia đình êm ấm trước khi xuất ngoại làm ăn. Điều đó phản ánh một thực tế hôn nhân của cặp đôi chỉ đổ vỡ sau khi vợ chồng đi lao động ở nước ngoài.

Tôi cho rằng do nhiều cặp vợ chồng vì không vượt qua được khoảng cách địa lí, thiếu thốn sự chia sẻ, môi trường sống dẫn đến tình cảm mới phát sinh, là nguyên nhân chính của vấn đề.

Một nguyên nhân khác là khi làm ra đồng tiền, có điều kiện kinh tế người chồng hoặc người vợ thay đổi hẳn khiến gia đình đổ vỡ.

- Tình trạng ly hôn ở Cương Gián được dự báo sẽ còn gia tăng. Bà có thể cho biết với vai trò, chức trách của mình, Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp gì để góp phần hạn chế các cặp vợ chồng ở đây tan vỡ hạnh phúc?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của cô giáo trong bài viết mà Dân trí nêu ra, đó là tiền bạc, sự giàu sang thì ai cũng muốn, nhưng có những thứ còn thiêng liêng hơn. Những đứa trẻ được sống trong tổ ấm bình yên, hạnh phúc là không có gì thay thế được. Thế nên, tôi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên phải là ở mỗi cặp vợ chồng. Các cặp vợ chồng phải hiểu được rằng phía sau mỗi hành động của mình là những đứa con ruột thịt. Không ai thương con hơn chính bố mẹ mình.

Còn trách nhiệm của chúng tôi là ngay trong Hội nghị Báo cáo viên của toàn hội được tổ chức vào chiều ngày 22/4, tôi đã giao trách nhiệm cho đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghi Xuân phải thống kê cụ thể số vụ ly hôn ở Cương Gián, sớm báo cáo Tỉnh hội số liệu mới nhất.

Tỉnh hội cũng sẽ tổ chức đoàn công tác về tận địa phương để nắm bắt tình hình. Từ thực tiễn tại đây chúng tôi sẽ bổ sung thêm các giải pháp, biện pháp tuyên truyền mới thiết thực và hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Văn Dũng (thực hiện)