Kỳ 3:
Vui buồn ở làng “giàu lên như diều gặp gió”: Góc khuất cuộc đời những đứa trẻ vắng mẹ cha
(Dân trí) - Rời quê hương mưu sinh ở xứ người, rất nhiều cặp vợ chồng ở làng xuất ngoại Cương Gián gửi lại những đứa con nhỏ cho người thân chăm sóc. Thiếu thốn tình cảm, vắng lời răn dạy, bàn tay chăm sóc của bố mẹ, không ít đứa trẻ đã phải chịu nhiều thiệt thòi, lớn lên không hoàn thiện...
Phía sau những đồng tiền cha mẹ gửi về
Quá trình công tác tại địa bàn, thầy Trần Trọng Khiêm, Hiệu trưởng Trường THCS Cương Gián nắm rất rõ có quá nhiều em trong số hơn 700 học sinh theo học tại nhà trường thiếu vắng cùng lúc cả bố lẫn mẹ trong cuộc sống hằng ngày. Có nhiều trường hợp vợ chồng xuất ngoại, gửi lại con cho ông bà, chú bác. Những đứa trẻ nhiều năm ròng lớn lên mà không có lời răn tiếng dạy của cha mẹ.
Thầy Khiêm nói rằng, cuộc sống hiện đại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, những chiếc điện thoại thông minh, máy vi tính… đã trở thành cầu nối, giúp khoảng cách ngàn dặm giữa bố mẹ con cái được thu hẹp đáng kể.
“Không bố mẹ nào muốn xa con, nhưng vì cuộc mưu sinh mà bố mẹ phải xa các em. Ngày nay với những thiết bị hiện đại, dẫu có cách xa ngàn dặm thì hàng ngày bố mẹ vẫn có thể nhìn thấy, chuyện trò, căn dặn các con; nhưng sau những cuộc chuyện trò ngắn ngủi ấy, điều những đứa trẻ cần hơn cả là sự bảo ban chăm sóc trực tiếp của cha mẹ”- thầy Khiêm nói.
Thầy Khiêm kể, có không ít học sinh tới lớp trong tình trạng uể oải, ngủ gục ngay trong lớp học. Thầy cô theo dõi kiểm tra và phát hiện rất nhiều em lên giường đi ngủ với chiếc điện thoại trên người.
“Có tiền, thương con, nhiều phụ huynh ở nước ngoài gửi tiền về cho con mua sắm điện thoại để tiện bề liên lạc. Nhưng các em thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game, lướt mạng mà không có người lớn quản lý. Rất nhiều em trốn ông bà chơi game thâu đêm. Chơi như thế ảnh hưởng đến chuyện học hành, sức khỏe là đương nhiên”- thầy Khiêm nói.
Trường THCS Cương Gián nơi có nhiều em học sinh đang sống xa cha mẹ.
Một trường hợp đang lo ngại khiến thầy Khiêm trăn trở là em Chí Vỹ (tên nhân vật đã được thay đổi), học sinh lớp 9 trường THCS Cương Gián. Bố mẹ sang Anh mưu sinh từ khi Vỹ còn rất nhỏ. Vỹ và anh trai sống với người chú ruột. Thiếu hơi ấm chăm sóc của bố mẹ, chú mợ cũng vì cuộc sống mưu sinh không kiểm soát hết được các cháu, nên càng lớn Vỹ càng nghịch phá. Đến năm học lớp 9, Vỹ thường xuyên bỏ học đi chơi; lôi kéo nhiều bạn ở trường cùng nghỉ học.
“Chúng tôi đã xuống tận nhà người chú gặp gỡ, vừa mong chú quan tâm dạy bảo cháu, vừa đề nghị chú thông tin để bố mẹ ở nước ngoài được biết tình hình có phương án dạy bảo con. Nghe chúng tôi trình bày, người chú lắc đầu một cách bất lực, nói chỉ còn cách chờ bố mẹ cháu về”- thầy Khiêm kể.
Kết thúc học kỳ 1, Vỹ bị xếp loại hạnh kiểm yếu kém. Nhiều phụ huynh đến trường yêu cầu tách Vỹ khỏi con em họ. Theo thầy Khiêm, trước Tết vừa qua, người thân đã chuyển Vỹ vào một tỉnh ở Tây Nguyên. “Thực sự chúng tôi rất buồn, nếu có bố mẹ ở nhà mọi chuyện cói thể sẽ khác, Vỹ đã không trượt dài như thế”- thầy Khiêm buồn lòng nói.
Vội vã trở về để… "cứu" con
Tình trạng con em được chiều chuộng quá mức nhưng lại thiếu người dạy bảo dẫn đến chểnh mảng học hành, chơi bời, hư hỏng... khiến không ít vợ chồng đang mưu sinh ở nước ngoài đứng ngồi không yên. Đã có những cuộc trở về vội vã để "cứu" con trước khi quá muộn.
Một nhóm trẻ ở Cương Gián tìm niềm vui bên các quân bài.
Hoàng Phúc (tên nhân vật đã được thay đổi) đang học lớp 8, là một học sinh cá biệt của Trường THCS Cương Gián. Theo nhiều thầy cô giáo, một trong những nguyên nhân chính khiến Phúc hư hỏng là do bố mẹ mải đi làm ăn ở Hàn Quốc, “khoán” chuyện dạy bảo, giáo dục con cho ông bà.
“Bố mẹ ở xa thì thương con, chiều chuộng; ở nhà ông bà lớn tuổi, khó quản lý được cháu. Đến trường thầy cô dạy bảo thế, nhưng ra khỏi trường vào môi trường xã hội không ai kiểm soát nên dần dần Phúc thay đổi theo chiều hướng xấu”- một giáo viên chia sẻ.
Theo giáo viên này, mới rồi sau một vài sự vụ Phúc gây ra, người mẹ ở Hàn Quốc đã quyết định về nước "cứu" con khi chưa quá muộn.
"Trên thực tế còn quá nhiều câu chuyện buồn về bọn trẻ ở đây. Có trường hợp trốn ông bà đi chơi qua đêm, không về. Chúng tôi đã xuống tận nhà tìm hiểu thì em ấy thừa nhận chuyện đi chơi. Trường hợp này hiện cũng đã nghỉ học đi xuất khẩu lao động"- bà Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cương Gián thông tin thêm.
Cần tỉnh táo
Bà Hoàng Thị Hoa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, cũng đồng thời là thành viên Hội Khuyến học xã Cương Gián thông tin, có một sự dịch chuyển lớn trong suy nghĩ của người dân địa phương về chuyện học hành của con em. Nhiều gia đình có suy nghĩ con em ăn học, ra trường không xin được việc, nên đã chủ động hướng cho con đi xuất khẩu lao động ngay từ khi con còn ngồi ở ghế nhà trường.
Đồng quan điểm với bà Hoa, thầy Trần Trọng Khiêm cho rằng đó là một xu thế tất yếu khi mà xuất ngoại lao động đã giúp các gia đình có nguồn thu lớn, đời sống khấm khá hơn. Thậm chí theo lời thầy Khiêm, người dân Cương Gián bây giờ không còn mặn mà với chuyện học hành của con nữa.
Thầy Khiêm kể, có một trường hợp học giỏi, tương lai học hành rất tốt nhưng gia đình đã tới xin cho con thôi học đội tuyển mà chỉ cần con học tiếng Anh để sau này đi xuất khẩu lao động.
"Tôi đã nhiều lần nói với các bậc phụ huynh hiểu rõ, con em đến trường không chỉ học con chữ, kiến thức mà còn học cả nhân cách. Nếu học giỏi, được đào tạo căn bản thì con em ở đâu cũng sống được, chứ không phải trông chờ vào xuất ngoại. Còn nếu xuất ngoại thì cần quản lí con em thật tốt, không để con em thiếu sự răn dạy như hiện nay"- thầy Khiêm nói.
Cũng theo thầy Khiêm, cái được chỉ là trước mắt, còn lâu dài thì mất nhiều. Những hệ lụy, mặt trái xảy ra ở Cương Gián đang phần nào nói lên điều đó.
Văn Dũng