Vui buồn nghề muối xứ “công tử Bạc Liêu”
(Dân trí) - Bạc Liêu có sản lượng muối nhất nhì ĐBSCL với khoảng 3.000ha, trung bình sản lượng mỗi năm chừng 100.000 tấn. Nhưng như một diêm dân chia sẻ, “ít ai quan tâm tới người làm ra hạt muối, nên làm hoài mà cứ nghèo xác xơ”.
Mỗi người mỗi cảnh khổ
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến vùng muối ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Không khí ở đây khá tấp nập bởi đang vào mùa vụ. Nhà ông Lê Phước Trụ (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh) có lẽ đông vui hơn cả bởi đây là nơi các thợ làm muối thường nghỉ tay nói chuyện. Tiếp chúng tôi trong cái nắng gay gắt, ông Trụ chia sẻ: “Nói về cái khổ, cái nghèo thì có lẽ chẳng ai bằng diêm dân. Đôi khi ngẫm mà thấy tủi lắm bởi hình như ít ai quan tâm đến những người làm ra hạt muối. Chính vì thế cuộc sống khổ nghèo luôn đeo bám”.
Nhọc nhằn đời diêm dân
Hay câu chuyện về ông Lưu Phước Bền, 60 tuổi, có 5 người con thì 4 đã có gia đình riêng, cũng sống bằng nghề làm muối. Còn cậu con trai út phải bỏ học giữa chừng ở nhà cùng cha mẹ làm muối kiếm tiền, khi nào có lại đi học tiếp. 3 đời làm muối, tài sản của ông Bền hiện chỉ có cái chòi cất trên mấy ha muối.
Cảnh nhà bà Thắm hơn 6 năm làm muối cứ nghèo xác nghèo xơ, hai mẹ con phải lên thị xã Bạc Liêu mướn nhà trọ ở, hàng ngày mẹ bán muối rong, con bán trái cây kiếm sống.
Một ngày làm việc của diêm dân bắt đầu từ 4 giờ sáng, nhọc nhằn cả ngày mong có hạt muối ngon, nhưng giá muối bán chỉ được chừng 500 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với “muối ngoại”.
Mong hạt muối sánh bằng hạt gạo, con tôm!
Bạc Liêu có sản lượng muối nhất nhì ĐBSCL với khoảng 3.000ha, trung bình sản lượng mỗi năm chừng 100.000 tấn. Nhiều năm qua, những cơn mưa trái mùa đã gây thiệt hại nặng nề cho các ruộng muối. Đây chính là nỗi lo sợ của các diêm dân.
Một diêm dân ở huyện Đông Hải nói: “Thiên thời địa lợi, trời bảo sao nghe vậy chứ biết làm gì hơn”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, bắt đầu từ năm 2009, Sở thực hiện phương pháp mới theo mô hình làm muối trải bạt. Mô hình này mới được thử nghiệm trên khoảng 100ha bởi kinh phí thực hiện khá tốn kém, khoảng 50 triệu đồng/ha. Theo dự tính, Ngân hàng NN&PTNT Bạc Liêu cho dân vay 60% để thực hiện mô hình, tức là khoảng 30 triệu đồng. 20 triệu đồng còn lại, với những diêm dân nghèo vẫn là con số quá lớn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác trên vùng muối Bạc Liêu và một phần nhỏ của tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa hoàn chỉnh, nhiều nơi yếu kém; trạm, trại kỹ thuật phục vụ hỗ trợ vùng muối không có; điện, đường đi lại thì khó khăn. Trên địa bàn có duy nhất 1 doanh nghiệp nhà nước là Cty Muối Bạc Liêu nên việc thu mua muối cũng chỉ cầm chừng.
Sản xuất muối khó khăn, giá cả bấp bênh, đất làm muối bị thu hẹp, đầm tôm lấn dần, người làm muối chỉ có 3 tháng chính vụ, những tháng còn lại đi làm thuê hay mò cua, bắt ốc mưu sinh.
Một diêm dân chia sẻ: Hạt muối có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không thua gì hạt lúa, con tôm, nhưng hạt muối lại không được quan tâm bằng. Nếu như người trồng lúa, nuôi tôm vay vốn được nhiều thì người làm muối vay vốn chưa thuận lợi, ít ỏi, bao nhiêu rủi ro hầu như diêm dân phải tự gồng gánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Khương - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - bày tỏ: “Với vai trò quan trọng của hạt muối, diêm dân cần được chăm lo tốt hơn. Cần đầu tư mạnh hơn cho vùng muối để đánh thức tiềm năng và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống diêm dân. Bạc Liêu cũng có thế mạnh về vùng biển, nếu phát triển thêm du lịch đồng muối, diêm dân vừa sản xuất muối vừa thu nhập thêm từ du lịch thì biết đâu cuộc sống của họ sẽ thay đổi, góp phần làm mới hơn cho vùng đất gắn liền một thời với sự giàu có danh tiếng “công tử Bạc Liêu” này”.
Huỳnh Hải