TPHCM:
Vừa vui lễ hội nghinh Ông vừa sẵn sàng chạy bão
(Dân trí) - Chiều tối 23/11, có mặt tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), PV ghi nhận người dân đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng di chuyển nếu tình huống xấu nhất xảy ra là bão Usagi đổ mạnh. Nhưng đã quen với việc chống bão, bà con vẫn vui vẻ tham gia lễ hội nghinh Ông trong tâm thế “Có lệnh là đi ngay!”.
"Bão thì bão, khi nào chính quyền điều động thì đi chứ lễ là phải cúng. Có hát bội phần nào mình cũng đỡ căng thẳng", chị Nguyễn Thị Ngọc đang xem hát bội tại miễu bà xã Thạnh An chia sẻ.
Người dân cho biết có năm bão vào, hoạt động hát bội phải ngưng, bà con rất buồn vì không ai muốn bỏ lỡ lễ hội này.
Người dân xã đảo Thạnh An vẫn vui vẻ đi xem hát bội đêm trước khi bão vào
Đi sâu vào bên trong khu vực ấp Thạnh Hòa, ấp Thạnh Bình, nhiều hộ dân đã chằng chống nhà cửa, chuẩn bị quần áo, tư trang sẵn sàng di chuyển nếu có tình huống xấu.
Chị Lê Thị Kim Loan với chiếc ba lô đã chuẩn bị sẵn
Anh Lê Văn Chiến cho biết: “Nhà cửa tạm bợ nên không dám ở lại. Với lại cũng có con nhỏ nên khi thấy không ổn là… vọt liền”. Chị Lê Thị Thu Sương, vợ anh Chiến, nói: “Nhà người ta kiên cố ở không sao, nhà này ở lại nó sập chỉ có chết”. Hành lý chạy bão của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn một túi đồ nhỏ.
Ông Đoàn Khánh Điệp, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Cần Giờ cho biết công tác chuẩn bị di dời dân đã sẵn sàng.
Theo ông, dự kiến sáng 24/11, các xã sẽ tiến hành di dời các hộ dân ở vùng xung yếu, gần sông, biển đến khu vực kiến cố như trường học, uỷ ban nhân dân xã.
Theo kế hoạch có gần 2.000 người dân huyện Cần Giờ được di dời khi có áp thấp và hơn 4.000 người nếu bão đổ bộ. Công tác di dời hoàn tất chậm nhất 12h trưa 24/11.
Người dân xã đảo Thạnh An đã sẵn sàng chống bão
Đến tối 23/11, toàn huyện Cần Giờ có hơn 400 căn nhà được chằng chống, ràng buộc trước khi bão vào. Hiện còn có 7 tàu gồm 42 thuyền viên đang trên đường vào đất liền.
Toàn xã đảo Thạnh An có 1.456 người cư trú, trong đó có 271 người già, 621 phụ nữ và 564 trẻ em.
Hệ thống loa phát thanh liên tục thông tin tình hình chống bão đến người dân
Chờ bão, một đêm không ngủ với gia đình chị Loan và người dân Thạnh An
Ông Huỳnh Quang Thành, 71 tuổi cho biết: “Mấy năm trước bão nhẹ thì chạy vô trường học, mạnh quá thì chính quyền cho tàu ra đón bà con vô đất liền. Năm nay cũng vậy thôi, rút được nhiều kinh nghiệm từ các năm trước nên cũng chủ động, có lệnh là đi”.
Thông tin từ lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết, học sinh toàn huyện được nghỉ học từ sáng 24/11. Lệnh cấm tàu thuyền hoạt động cũng được thực hiện từ 13h ngày 23/11. Huyện đã huy động hơn 1.000 công an, bộ đội, dân phòng, công nhân viên chức của huyện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 9 - bão Usagi.
Sáng 24/11, các lực lượng đã bắt đầu tụ tập đầy đủ tại trụ sở UBND xã đã sẵn sàng ứng phó với bão
7h sáng 24/11, ở xã đảo Thạnh An đã có mưa rả rích, hầu như đứng gió. Hiện các lực lượng đã bắt đầu tụ tập đầy đủ tại trụ sở UBND xã đã sẵn sàng ứng phó với bão.
Người dân chuẩn bị đồ đạc chuẩn bị lên điểm tập trung
Cán bộ xã đến tận nhà vận động và chở người dân đến nơi trú ẩn an toàn từ sáng sớm nay 24/11.
Bến Tre mưa diện rộng, toàn tỉnh tập trung chống bão
Sáng 24/11, do ảnh hưởng của bão số 9 (Usagi), tại địa bàn tỉnh Bến Tre đã xuất hiện mưa trên diện rộng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương tập trung ứng phó và thực hiện việc nghiêm cấm tàu đánh cá ra khơi từ 17h ngày 23/11 đến khi có thông báo mới.
Người dân Bến Tre đang chuẩn bị ứng phó với bão số 9
Để ứng phó với bão số 9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị nhất là các huyện Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri và huyện Thạnh Phú không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu; chủ động rà soát kế hoạch, phương án ứng phó bão cho phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi bão ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh.
Người dân dùng cát chất lên mái nhà
Văn bản cũng nêu rõ: "Thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17h ngày 23/11 cho đến khi có thông báo mới. Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền; bố trí lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, tránh để xảy ra cháy nổ, mất cắp tại các khu neo đậu gây thiệt hại về tài sản."
Tàu thuyền đã được tập kết vào nơi an toàn
Bên cạnh đó, phải liên tục cập nhật thông tin, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu.
Riêng Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, nhất là các huyện ven biển, huyện Châu Thành phải khẩn trương rà soát, hoàn thành phương án di dời, sơ tán dân, chủ động sơ tán dân nhằm đảm bảo an toàn.
Minh Giang
Phạm Nguyễn