Tây Ninh:
“Vua đất” ở huyện Tân Châu
Vụ hàng chục quan chức, cán bộ chia nhau hàng trăm hécta đất dự án 327 - Bàu Rã (Tân Biên, Tây Ninh) vừa tạm lắng, thì mới đây, lại một vụ sai phạm đất đai khác, nghiêm trọng không kém đã xảy ra tại Nhà máy đường Nước Trong (nay là Công ty mía đường Tây Ninh, thuộc huyện Tân Châu).
Những lá đơn vạch trần “vua đất”
Từ năm 1995, đoàn thanh tra nhà máy đã báo động vấn đề này. Nhưng lãnh đạo nhà máy đường lúc ấy vẫn phớt lờ kết luận thanh tra, tiếp tục để một số cá nhân dùng mọi thủ đoạn đuổi người dân ra khỏi đất đai họ đang sản xuất, thu hồi hàng trăm hécta đất công cho nhiều quan chức, cán bộ... biến thành tài sản cá nhân.
Nhắc đến ông Trần Hoàn Kiếm (tức Hai Kiếm) từng làm tổ trưởng tổ sản xuất, thuộc Ban đời sống Nhà máy đường Nước Trong (năm 1992-1995), rất nhiều người dân huyện Tân Châu còn nhớ. Đó là một ông “vua chiếm đất” siêu hạng ở vùng biên giới này.
Thật vậy, trong tay chúng tôi nhận được hàng trăm đơn thư tố cáo, khiếu nại về đất đai liên quan đến Ban đời sống Nhà máy đường Nước Trong, thì có tới 70% có nội dung tố cáo “ông Hai Kiếm đưa quân, đưa máy ủi” vào thu hồi đất của người dân.
Trong 115 đơn thư khiếu nại về đất đối với Cty mía đường Tây Ninh gần đây được các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh chọn lọc thụ lý và xem xét, có tới 65 đơn khiếu nại, tố cáo ông “vua đất” Hai Kiếm “lợi dụng chức quyền, ép dân ra đi để chiếm đoạt đất cho cá nhân và những người có chức quyền khác thụ hưởng”.
Ông Lê Văn Bậy (ngụ tổ 9, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu) tố cáo: “Năm 1989, gia đình tôi khai hoang được 8ha. Bất ngờ, năm 1994, ông Kiếm đến nói thu hồi cho nhà máy đường, đền bù công khai phá 400.000 - 800.000 đồng/ha. Gia đình tưởng chủ trương nhà nước, nên chấp hành. Ai ngờ, đất thu hồi về tay cá nhân ông Kiếm và tay chân ông Kiếm”.
Ông Huỳnh Văn Ly (ngụ tổ 4, ấp Tân Lâm, xã Tân Hà) tố cáo: “Năm 1987, tôi khai phá 7,3ha. Năm 1994, ông Kiếm đưa máy ủi đến và cho biết “đất thuộc quy hoạch của nhà máy đường”, yêu cầu tôi nhận đền bù 400.000 đồng/ha. Sau này tôi mới biết, ông Kiếm lấy đất không phải cho nhà máy. Ông Kiếm và thuộc hạ của ông ta mang danh nghĩa nhà nước, nhà máy đường chiếm đất làm của riêng”.
Ông Nguyễn Văn Oanh (ngụ ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội) tố cáo: “Năm 1990, gia đình khai hoang được 19ha, đang canh tác mía. Năm 1994, ông Kiếm xuất hiện, không cho làm; nhưng tôi vẫn làm. Sau đó, ông Kiếm dẫn lực lượng có mang theo vũ khí xưng là kiểm lâm... Họ bắt xe máy cày của tôi về giữ ở nhà máy...
Từ đó đến nay, đất gia đình tôi bị ông Kiếm thu hồi, sau đó chia năm sẻ bảy cho nhiều người có chức quyền trong tỉnh và nhà máy làm tài sản riêng, như: Ông Vinh - thủ quỹ, bà Chi - kế toán, ông Dũng - em ruột ông Kiếm”.
Đại gia đình cùng đứng tên... chủ quyền đất!
Trong tờ giải trình ngày 18/6/2006, theo yêu cầu của Cty mía đường Tây Ninh, “vua đất” Trần Hoàn Kiếm thú nhận: Từ năm 1993 - 1999, tính cả đất tự khai hoang lập vườn, sang nhượng, ông Kiếm đã có trong tay ngót nghét 92ha. Ngay lập tức, ông chia làm năm, cho 5 người trong nhà ông cùng đứng tên chủ quyền đất: Trần Hoàn Kiếm (44,8ha), Nguyễn Thị Thanh Hà (17,6ha) và 3 người con: Trần Thị Cẩm Loan (24 tuổi, 6ha), Trần Hoàn Thảo (21 tuổi, 6ha), Trần Hoàn Tuấn (19 tuổi, 14,6ha).
Tính đến nay (năm 2006), “vua đất” Hai Kiếm xác nhận đại gia đình ông đứng tên chủ quyền sở hữu khoảng 141ha. Bao gồm 20ha xà cừ 8-10 năm tuổi, 15ha vườn cây ăn trái đang thu hoạch, 30ha caosu và còn lại là đất sản xuất cây hàng năm. Đó là 141ha đất “vua đất” thừa nhận có chủ quyền thuộc đại gia đình mình quản lý.
Song, phản ánh của người dân địa phương mà cơ quan chức năng chưa thống kê rõ, thì diện tích đất mà ông Hai Kiếm lợi dụng chức quyền thu của dân làm tài sản riêng trong nhiều năm không dừng ở con số đó. Và nó không nằm ở riêng tiểu khu 41, mà rải rác khắp địa bàn huyện Tân Châu (?).
Theo Nhóm PV điều tra
Lao Động