1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ “xẻo” tiền Tết người nghèo tại TPHCM: Chính quyền nhận sai

(Dân trí) - Chủ tịch UBND phường 27 (quận Bình Thạnh, TPHCM) thừa nhận việc tự ý trích một phần tiền Tết của người nghèo để mua quà là sai. Bà này cũng cho biết, nhiều phần quà của các gia đình nghèo bị thiếu 0,5kg lạp xưởng (tương đương 80.000 đồng).

Thiếu chỗ nào bù chỗ đó

 

Như tin đã đưa, các hộ dân nghèo sống tại phường 27, quận Bình Thạnh những ngày qua đã rất thắc mắc khi phải ký nhận 400 nghìn đồng tiền hỗ trợ ăn tết, nhưng thực nhận chỉ được 200 nghìn cùng 1 phần quà tiền không “hợp” với cái giá 200 nghìn mà lãnh đạo phường đưa ra.

 

Sau nhiếu lần hẹn gặp, sáng 20/2, phóng viên mới được bà Huỳnh Thị Thanh Trúc - Chủ tịch UBND phường 27 và bà Ngô Thị Ánh Ngọc - Bí thư Đảng ủy phường trả lời về vấn đề này.

 

Theo bà Huỳnh Thị Trúc, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các đối tượng được bảo trợ xã hội (Nghị định 67/2007/NĐ- CP) ăn Tết, phường có 133 trường hợp nằm trong diện được hỗ trợ. Ngoài số tiền các đối tượng được nhận trợ cấp hàng tháng thì những cá nhân trong diện này được nhận 400.000 đồng. 

 

Bà chủ tịch phường thừa nhận phường đã sai khi tự lấy một phần tiền hỗ trợ để mua quà, mà đáng lẽ phải trao cho người dân đúng số tiền theo quy định Nhà nước. Lúc phát quà nhân viên cũng không giải thích cụ thể khiến người dân ngộ nhận là ngoài phần quà ra còn được nhận 400.000 đồng.
 
Vụ “xẻo” tiền Tết người nghèo tại TPHCM: Chính quyền nhận sai - 1

Đại diện chính quyền, đảng uỷ phường đến trao phần lạp xưởng còn thiếu cho người dân.

 

Bên cạnh đó, bà Trúc cũng nhìn nhận là một số phần quà bị thiếu phần lạp xưởng trị giá 80 ngàn là có. Lãnh đạo phường thông báo ngay trong ngày hôm nay (20/2) sẽ đến tận nhà người dân trao lại phần quà đã thiếu với giá trị bằng tiền là 80.000đồng.

 

Khi được hỏi về nguyên nhân sự thiếu sót này, cả hai vị lãnh đạo của phường khẳng định đang xem xét kiểm tra (?!). Mặc dù Bà Ngô Thị Ánh Ngọc - Bí thư Đảng uỷ cho biết: nếu người sai phạm là Đảng viên sẽ xử lý, còn công chức thì dựa vào nội quy công chức. Tuy vậy, Bí thư lẫn Chủ tịch phường đều cho biết chưa biết khi nào mới công bố việc xử lý và ai là người có trách nhiệm chính trong sai sót lần này. Lí do hai bà đưa ra là “ Hiện nay số liệu vẫn chưa khớp nên chưa thể quy trách nhiệm là người nào”. 

 

“Vấn đề này không khó để kiểm tra”

 

Đối với vụ việc phường 27, quận Bình Thạnh, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM cho biết: “Tôi thật không ngờ ngay tại một phường ở trong nội thành thành phố lại có sự việc này xảy ra. Hành động này thật không thể tha thứ được. Nó không chỉ vi phạm về mặt pháp luật, vừa thể hiện mặt sai trái về đạo đức cũng như lương tâm của người cán bộ nhà nước. Về việc công bố sai phạm trước dư luận chậm, tôi nghĩ với các loại giấy tờ còn đó như: danh sách người nhận, hoá đơn mua hàng... thì việc kiểm tra rất đơn giản, không phải quá phức tạp mà không thể làm nhanh. Chỉ có điều là những người kiểm tra thực hiện như thế nào mà thôi”.

 

Ông Đặng Văn Khoa cũng cho rằng: “Những vấn đề nhạy cảm như thế này tuy nhỏ về vật chất nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của người dân. Với khoản tiền dành cho người bần cùng mà còn bị xà xẻo thì những khoản khác như thế nào. Vì thế cần xử lý nhanh, càng nhanh chóng, càng công khai thì người dân mới yên tâm và tin tưởng Đảng, Nhà nước hơn”.  

 

Theo ông Khoa, UBND TPHCM nên có ý kiến và chỉ đạo triệt để đối với quận và phường, để mọi việc được tiến hành nhanh chóng. Còn phía phường, Chủ tịch phường với chức trách của mình nên trả lời cụ thể để giãi bày trước công luận, chứ không phải cứ đợi kết luận thanh tra mới lên tiếng.  

Hoài Lương - Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm